“Cú lừa” tiến lên Chủ nghĩa Xã hội của Tổng Trọng trở thành di sản  

Dịp Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, truyền thông nhà nước đã mở hết tốc lực, ca ngợi công trạng của ông đối với đất nước.

Ngược lại, mạng xã hội cũng tồn tại không ít ý kiến cho rằng, đa số người dân Việt Nam đều hiểu rất rõ, sự tuyên truyền của nhà nước Việt Nam, chỉ phục vụ cho lợi ích cầm quyền độc tôn. Vì vậy, truyền thông “lề phải” sẵn sàng tuyên truyền dối trá, bất chấp sự thật.

Cựu Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô – ông Mikhail Gorbachev, đã thú nhận: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng sản. Ngày hôm nay, tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Tổng Trọng là một người Cộng sản kiệt xuất, là học trò trung thành của Hồ Chí Minh. Một số người chống Cộng cho rằng, Tổng Trọng là “người Cộng sản cuối cùng”.

Đây là nhận định không hoàn toàn chính xác.

Đặc trưng cơ bản nhất của Chủ nghĩa Cộng sản là vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất, thể hiện ở duy nhất một thành phần “sở hữu của toàn dân”, và việc không chấp nhận chế độ người bóc lột người.

Đối chiếu với nhà nước Việt Nam hiện nay, với nền kinh tế đa thành phần, kinh tế tư nhân, vấn nạn người bóc lột người xảy ra nhan nhản, hoàn toàn không đúng với bản chất Chủ nghĩa Cộng sản. Thậm chí, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân còn là các đảng viên Đảng Cộng sản Việt nam.

Giáo sư Nguyễn Đức Bình – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa 7 và 8, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từng nêu ý kiến phản đối việc đảng viên làm kinh tế tư nhân, có nghĩa là, có thể làm giàu hết cỡ, làm tư bản tư nhân, và có thể bóc lột hết cỡ. Như vậy, có phải là hoàn toàn trái với lời Bác Hồ dạy không?

Giáo sư Nguyễn Đức Bình khẳng định, “không thể vừa là chiến sĩ Cộng sản, lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng, lại vừa làm ông chủ tư bản, lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống”.

Đồng thời, ông cho rằng, theo Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Marx – Lenin: “Không bóc lột người. Đảng chống chế độ người bóc lột người. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên”.

Luận điểm của Tổng Trọng, một nhà lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn luôn khẳng định, Việt Nam đang đi trên con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, là điều bịa đặt và hoàn toàn dối trá.

Cho đến nay, đa số người dân bình thường đều hiểu rằng, cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản với lý tưởng tốt đẹp, “làm theo năng lực, nhưng hưởng theo nhu cầu”, đều không có thật. Đây là một chủ trương lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin, của những kẻ theo đuổi Chủ nghĩa Cộng sản.

Công luận đặt câu hỏi, tại sao, Việt Nam – một đất nước nhân danh Xã hội Chủ nghĩa, nhưng giáo dục và y tế lại không được miễn phí như các quốc gia đã từng có chế độ Cộng sản, hay như Cuba, Bắc Triều Tiên hiện nay? Tại sao, Đảng và Tổng Trọng lại đưa ra chủ trương “xã hội hóa” đối với lĩnh vực đặc trưng cho tính “ưu việt” của Chủ nghĩa Xã hội?

Truyền thông nhà nước, thời điểm năm 2013, đưa bài phát biểu công khai của Tổng Trọng, tại phiên họp tổ của Quốc hội, khi thảo luận về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Góp ý về Lời nói đầu của Hiến pháp Sửa đổi, Tổng Trọng thừa nhận: “Đến hết thế kỷ này, không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Tổng Trọng phát biểu như vậy, khi muốn sửa sai các câu chữ, trong Lời nói đầu của Hiến pháp, liên quan đến việc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam, và công cuộc đổi mới đất nước.

Những điều vừa kể cho thấy, Tổng Trọng không hề có một động thái nào thể hiện, ông đi theo Chủ nghĩa Cộng sản, hay Chủ nghĩa Xã hội. Vì lẽ đơn giản, ông Trọng đã hiểu rất rõ cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản hay Chủ nghĩa Xã hội, là điều không tưởng.

 

Trà My – Thoibao.de