Ngày 23/7, blog Lê Quốc Dân trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận: “Sau quốc tang là điều gì cho Tô Lâm?”.
Tác giả cho biết, đã 4 năm, kể từ sau cái chết của ông Lê Khả Phiêu, Việt Nam mới tổ chức một Lễ Quốc tang.
Theo Nghị định số 105/NĐ-CP/2012, đây là hình thức lễ tang cao cấp nhất, dành cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước, gồm 4 cấp: Lễ Quốc tang, Lễ Tang cấp Nhà nước, Lễ Tang cấp cao, và Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Trong thời gian tổ chức Lễ Quốc tang, quy cách cờ rủ, số lượng vòng hoa, dải băng đen, địa điểm tổ chức lễ tang và nơi an táng, đều được quy định theo Nghị định.
Tác giả cũng cho biết, ông Tô Lâm, với tư cách là Trưởng ban Lễ tang, sẽ đọc lời điếu và tuyên bố phút mặc niệm, trong khi quân nhạc sẽ cử bài “Hồn tử sĩ” của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Ông Trọng sẽ được mai táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, và vị vua tại vị hơn 13 năm sẽ trở về với lòng đất vô tri, vào lúc 3h chiều ngày 26/7.
Tác giả nhận xét, ông Trọng được coi là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Là tiến sĩ về xây dựng Đảng, ông đã gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát chính trị, khi loại được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để bước lên vị trí quyền lực tối cao vào năm 2016.
Ông Trọng cũng có biệt tài nói “suôn mồm”, người nghe thấy liền mạch và hợp lý, nhưng không đọng lại được gì về mặt tư duy. Là sinh viên khoa văn, ông có thể thực hiện “liên khúc”. Nhiều chuyện nghe có vẻ “sướng tai”, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thường lại xung đột lẫn nhau.
Tác giả cho rằng, chính ông cũng đang lúng túng trong một mớ lý thuyết về Chủ nghĩa Xã Hội đang bị thực tiễn thách thức gay gắt.
Lấy cảm hứng từ “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình, ông thúc đẩy một chiến dịch chống tham nhũng, được gọi là “đốt lò”. Ông đã chỉ đạo hàng loạt cuộc điều tra, xét xử nhiều vụ tham nhũng lớn, đưa ra ánh sáng nhiều quan chức cấp cao.
Thế nhưng, nỗ lực “đập chuột nhưng tránh vỡ bình” của ông sẽ là vô vọng, vì chính chiếc bình sinh ra chuột, và cuộc rượt đập này sẽ mãi mãi không bao giờ chấm dứt.
Tác giả bổ sung, khi tiến hành đốt lò, ông Trọng rất cần một công cụ, và thanh gươm mà ông sử dụng chính là Bộ Công an do Tô lâm đứng đầu. Ông Tô Lâm giờ đây đã dựa vào thế “đốt lò” mà ra đòn, với các nhân vật tiềm năng có thể thay thế ông Trọng.
Tiếc rằng, thanh gươm Bộ Công an được ông Trọng sử dụng, nhằm triệt hạ những quan tham, đã dần dần bành trướng, cản đường tất cả những ai có khả năng tiềm tàng bước đến vị trí cao nhất, và buộc Bộ Chính trị làm con tin, để Tô Lâm thực hiện ý đồ của mình.
Tác giả cũng cho rằng, với cương vị Chủ tịch nước và là Trưởng ban Lễ Quốc tang cho ông Trọng, Tô Lâm đang là người có quyền lực nhất, và ứng viên sáng giá nhất, cho chức danh Tổng Bí thư. Tuy vậy, ông còn hơn 1 năm nữa, để chứng tỏ mình là lựa chọn duy nhất.
Trước mắt, chắc chắn, Tô Lâm sẽ tiếp tục công cuộc chống tham nhũng, đồng thời thực thi chính sách “ngoại giao cây tre”, để duy trì thế chiến lược quân bình giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với chuyến “xuất mã” đầu tiên sang Lào rồi Campuchia, Tô Lâm khẳng định cam kết coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị của Việt Nam với 2 nước anh em này, và làm tăng xung đột với những lợi ích của Trung Quốc tại Campuchia, qua kênh đào Funan Techo.
Trong bối cảnh có quá nhiều kẻ thù trong và ngoài nước. Liệu ông Tô Lâm có đủ bản lĩnh để đối phó hay không?
Tác giả nhận định, tất cả phụ thuộc vào sự khôn ngoan của ông Tô Lâm, trong việc dàn xếp nội bộ. Theo đó, tuyệt đối phải hoà hoãn với cánh quân đội, giữ tình hòa hiếu được với bạn vàng phương Bắc và Hoa Kỳ.
Nếu Tô Lâm làm được như vậy, hình ảnh một vị Tướng Công an đã tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ăn bò dát vàng, hay chỉ đạo tấn công vào làng Đồng Tâm, có thể sẽ được quên lãng. Thế nhưng, từ nay đến Đại hội 14, vẫn là một chặng đường dài đối với Tô Lâm.
Xuân Hưng – Thoibao.de