Họ bị đe dọa, bị làm cho sợ hãi hoặc bị đàn áp bằng bạo lực. Đó là các nhà báo lưu vong, họ cũng thường không thể sống an toàn ở Đức. “Liên minh chống đàn áp xuyên quốc gia ở Đức” (Liên minh TNR) mới được thành lập nhằm chống lại mối đe dọa và gieo rắc sợ hãi.
Đàn áp xuyên quốc gia là một chiến lược được hầu hết các chính phủ độc tài sử dụng để bịt miệng những người chỉ trích đang ở nước ngoài – ngoài các nhà đối lập chính trị, các chuyên gia, thì đặc biệt những người làm truyền thông cũng là mục tiêu của họ.
Giám đốc điều hành tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) Anja Osterhaus cho biết: “Ngày càng có nhiều nhà báo phải chạy trốn khỏi chế độ độc tài và xung đột bạo lực. Nhưng ngay cả khi sống lưu vong ở nước ngoài, họ cũng không được an toàn trước các cuộc tấn công từ quê hương. Cùng với Liên minh TNR, chúng tôi muốn đánh động các chính trị gia và xã hội chú ý đến các hệ thống đàn áp xuyên quốc gia và nổ lực thực hiện các biện pháp chính trị và xã hội dân sự để bảo vệ hiệu quả các nhà báo lưu vong.”
▪︎ Giám sát bằng kỹ thuật số, đàn áp, đe dọa tính mạng
Đặc biệt, nhờ công nghệ số hóa, các chế độ độc tài có sẵn một số công cụ để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến và các nhà báo, kể cả ở Đức, phổ biến các bài báo phê bình. Các phương pháp này bao gồm, thí dụ như các cuộc tấn công có chủ đích vào các trang web và kênh truyền thông xã hội cũng như việc sử dụng phần mềm gián điệp theo dõi như Pegasus hoặc Predator.
Trang tin tức tiếng Việt Thoibao.de có trụ sở tại Berlin đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công như vậy – kể cả hiện tại vì nhóm biên tập đang đưa tin về cuộc bầu chọn Chủ tịch nước, Tổng Bí thư… ở Việt Nam. Tổng biên tập Lê Trung Khoa thường xuyên nhận được những lời đe dọa tính mạng, bị theo dõi và bị bôi nhọ trên đài truyền hình nhà nước Việt Nam là kẻ phản bội. Vào tháng 2 năm 2023, chính phủ Việt Nam cũng đã cố gắng cài phần mềm gián điệp Predator vào máy điện thoại của ông.
▪︎ Đe dọa nền dân chủ
Đàn áp xuyên quốc gia không chỉ là mối đe dọa cá nhân mà còn là thách thức đối với nền dân chủ và nhà nước pháp quyền. Liên minh TNR sẽ tư vấn về việc vạch ra các giải pháp chính trị, xã hội dân sự và là tiếng nói mạnh mẽ cho những nạn nhân. Liên minh TNR đại diện cho các nạn nhân của đàn áp xuyên quốc gia, bắt nguồn từ các chính phủ ở Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Nga và Iran, cùng nhiều nước khác.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận về đàn áp xuyên quốc gia cũng có thể bị lợi dụng để đòi hỏi mở rộng quyền lực của các cơ quan an ninh một cách không cần thiết. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cũng muốn tăng cường sự lưu ý về việc này
Mười một tổ chức nhân quyền và cộng đồng người nước ngoài đã thành lập Liên minh TNR, gồm: Phóng viên Không Biên giới, Sáng kiến Tây Tạng Đức, Mikroskop Media, JAM, Veto! Mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền – Bộ phận Đức, Tổ chức hỗ trợ luật pháp và dân chủ (LDSF), Tự do cho Hồng Kông, Tạp chí MangMang, Razam, Hiệp hội người Duy Ngô Nhĩ thế giới (WUC) và Hiệp hội người Tây Tạng ở Đức.
Nguồn: https://www.reporter-ohne-grenzen.de/pressemitteilungen/meldung/koalition-gegen-bedrohungen-im-exil
Thu Phương – Thoibao.de ( Biên dịch)