Mỗi năm có 2 kỳ hội nghị Trung ương chính thức, kỳ đầu, Đảng thường nhóm họp vào tháng 5, kỳ sau nhóm họp vào tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 10 lần này, Trung ương Đảng lại cho nhóm họp vào ngày 18/9, sớm hơn thường lệ.
Vậy nguyên nhân là do đâu?
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 8 của Trung ương Đảng, vào ngày 26/8, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, đã thông báo với báo chí rằng, việc bầu chức danh Chủ tịch nước sẽ được tiến hành tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024.
Đây cũng là dự định thông thường của Đảng, bởi kỳ họp Hội nghị Trung ương 10 cũng sẽ diễn ra vào tháng 10, như bao kỳ họp hội nghị lần thứ nhì trong năm trước đây.
Tuy nhiên, giờ đây, Trung ương Đảng lại nhóm họp sớm, vì lý do gì?
Thường thì hội nghị Trung ương, là lúc Đảng đánh giá giai đoạn thực hiện của kế hoạch 5 năm, do Đại hội Đảng đề ra. Nói đơn giản là, Hội nghị Trung ương là những lần chia nhỏ kế hoạch 5 năm, để thực hiện cho đúng “tiến độ”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, chuyện quốc gia đại sự tại Hội nghị Trung ương, đã phải nhường chỗ cho màn ăn chia quyền lực, chia ghế, sau khi những trận đấu đá đã có kết quả. Họ đấu nhau liên tục, đến nỗi, các kỳ họp hội nghị Trung ương chính thức không đủ, họ phải tổ chức thêm hàng loạt kỳ họp bất thường.
Ở Hội nghị Trung ương 10 lần này, rất có thể, ông Tô Lâm sẽ chính thức nhả ghế Chủ tịch nước, để kỳ họp tiếp theo của Quốc hội thực hiện nghĩa vụ “gật đầu”, là xong thủ tục. Tuy nhiên, ông Tô Lâm có nhả chức Chủ tịch nước như đã hứa, hay nuốt lời, thì vẫn chưa rõ, còn phải chờ kết quả mới biết.
Có thông tin cho rằng, sở dĩ Trung ương Đảng phải nhóm họp sớm hơn thường lệ, vì phe quân đội sợ Tô Lâm “nuốt lời”, nên phải đòi ghế này càng sớm càng tốt. Nếu thông tin này là sự thật, thì có thể thấy, Trung ương Đảng vẫn còn đang đấu nhau rất quyết liệt. Phe quân đội kiên quyết đòi Tô Lâm phải chia sẻ quyền lực. Nếu ông Tô Lâm chấp nhận nhả ghế, thì xem như, ông đã có bước lùi đầu tiên, kể từ khi phát động cuộc “đảo chính mềm” đến nay.
Hội nghị Trung ương lần này được xem là Hội nghị bất thường, dù lấy danh nghĩa là Hội nghị chính thức. Vì các phe phái đánh nhau liên tục, và cứ mỗi lần có phe giành được lợi thế, thì lại phải họp hành để chia chác chiến lợi phẩm. Từ Hội nghị Trung ương 9 đến Hội nghị Trung ương 10, đã diễn ra 2 cuộc họp bất thường, nếu bây giờ lại họp bất thường lần nữa, thì rất khó che đậy trước dư luận.
Việc ông Tô Lâm nhường ghế Chủ tịch nước, chưa phải là kết quả cuối cùng. Sau Hội nghị Trung ương 10, các phe phái sẽ lại tiếp tục đánh nhau.
Thông thường, Hội nghị Trung ương 11 sẽ diễn ra vào tháng 5/2025. Như vậy, từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11 sẽ kéo dài 8 tháng, khoảng thời gian này là quá lâu. Rất có thể, giữa 2 kỳ hội nghị Trung ương tới, sẽ còn có nhiều kỳ họp bất thường khác.
Ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư trong hoàn cảnh đa số trong Đảng không tâm phục khẩu phục. Đây chính là mầm họa về sau đối với ông. Khi ông Nguyễn Phú Trọng lên Tổng Bí thư, dù trong tay không có binh hùng tướng mạnh như Tô Lâm, nhưng ông Trọng được nhiều người ủng hộ, trừ Nguyễn Tấn Dũng và các “đồ đệ”. Còn với ông Tô Lâm, ngoài những đồ đệ gốc Hưng Yên, và ít ỏi người có quan hệ thân thiết với ông Tô Quyền, thì Tô Lâm chẳng được lòng ai. Đặc biệt, phe quân đội đang cho thấy, họ không muốn bị Tô Lâm kiểm soát.
Càng nhiều hội nghị bất thường thì càng chứng tỏ, Đảng Cộng sản Việt Nam đang rất bất ổn. Tô Lâm ngồi trên “ngai vàng”, trong một đảng phái chia rẽ, căm ghét và thậm chí căm thù lẫn nhau. Đấy là mầm họa lớn cho ông về sau.
Trần Chương – Thoibao.de