Bản lĩnh của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ được thể hiện trong chuyến công du Mỹ sắp tới

Ngày 19/9, BBC Tiếng Việt bình luận “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đi Mỹ, chuyến công du “củng cố quyền lực mềm”’

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly sẽ tham dự các sự kiện của Liên Hợp Quốc, một số sự kiện tại Mỹ, và thăm cấp nhà nước Cuba từ ngày 22 đến ngày 27/9.

BBC dẫn thông báo chính thức từ Hà Nội cho hay, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, diễn ra vào các ngày 22 và 23/9; đồng thời, ông cũng phát biểu tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, sẽ khai mạc vào ngày 24/9.

Bên cạnh đó, ông Tô Lâm sẽ gặp gỡ lãnh đạo chính quyền, Quốc hội, các đảng, và một số người đứng đầu bộ, ngành của Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là một chuyến thăm Mỹ chính thức của ông.

Sau đó, ông sẽ thăm cấp nhà nước tới Cuba, theo lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel Bermúdez và phu nhân.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Alexander Vuving, từ Mỹ, nói rằng, chuyến đi Mỹ lần này rất quan trọng đối với cá nhân ông Tô Lâm, vì ông cần xây dựng “quyền lực mềm” trong nước, và thể hiện hình ảnh của một nhà lãnh đạo tài ba.

BBC cũng dẫn ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, rằng, việc ông Tô Lâm sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trên cương vị nguyên thủ quốc gia, là minh chứng mạnh mẽ cho sự ủng hộ của Việt Nam đối với một tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc.

Theo Giáo sư Alexander Vuving, ông Tô Lâm được kỳ vọng phải có khả năng xử lý các mối quan hệ quốc tế, và giao thiệp với các cường quốc lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hà Nội cũng cần cân bằng cẩn thận mối quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ và Nga.

Theo BBC, các nhà quan sát cho rằng, ông Tô Lâm có ít kinh nghiệm trong bang giao quốc tế, ở vị trí lãnh đạo Đảng và nhà nước, cũng như, thời gian chưa đủ dài để đánh giá năng lực lãnh đạo của ông. Do đó, sẽ có nhiều cặp mắt đổ dồn vào ông trong những chuyến công du nước ngoài, nhất là đến các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc.

BBC cho biết, một hãng tin quốc tế dẫn lời 4 nguồn tin, nói rằng, ông Tô Lâm sẽ dự một diễn đàn kinh doanh, vào ngày 23/9, với sự tham gia của đại diện từ các doanh nghiệp Mỹ. Ông cũng sẽ có các cuộc gặp riêng với lãnh đạo của 2 gã khổng lồ công nghệ là Google và Meta. Các cuộc gặp này được cho là góp phần xây dựng hình ảnh ông Tô Lâm là một nhà cải cách kinh tế.

Giáo sư Carl Thayer nhận định rằng, sự góp mặt của ông Tô Lâm sẽ có sức nặng và giúp trấn an giám đốc điều hành các tập đoàn lớn của Mỹ đang làm ăn tại Việt Nam, rằng, Việt Nam sẵn sàng khuyến khích doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ.

BBC được biết, một nhóm trí thức tại Mỹ đã chuẩn bị gửi kiến nghị tới ông Tô Lâm, kêu gọi trả tự do cho ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức.

Nền chính trị và văn hóa Mỹ vốn không dựa trên sự đồng lòng nhất trí như Việt Nam, sẽ đặt ra nhiều thách thức cho ông Tô Lâm, và đây chính là lúc bản lĩnh của ông được chờ đợi sẽ phát huy.

BBC cũng cho biết, chưa rõ, liệu ông Tô Lâm có gặp Tổng thống Joe Biden hay không.

Một người phát ngôn của Nhà Trắng từ chối nói đến ông Tô Lâm với hãng tin quốc tế, và thông báo của Hà Nội cũng không nêu rõ về điều này.

Giáo sư Vuving cho rằng, có thể ông Tô Lâm muốn gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, tuy nhiên, điều này là không quá cần thiết, vì ông Biden sẽ không còn là Tổng thống Hoa Kỳ sau tháng 1/2025. Sẽ cần thiết hơn, nếu ông Tô Lâm gặp được những người có thể sẽ là một phần của chính quyền Harris giả định trong tương lai.

 

Minh Vũ – thoibao.de