Truyền thông chính thống của Trung Quốc vừa lên tiếng cáo buộc Việt Nam “xâm phạm” lãnh hải của họ cũng như cảnh báo sự “ủng hộ” của Washington đối với Hà Nội sẽ làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông, cùng lúc đó Trung quốc đưa tàu Hải Dương 8 trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng tàu cá của Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh của Trung Quốc gần đảo Tây Sa hồi đầu tháng này và gửi công hàm phản đối “với mục đích tìm kiếm bồi thường” trước áp lực kinh tế vì đại dịch Cúm Vũ Hán.
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 3/4 cho biết đã “giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối” cũng như yêu cầu Bắc Kinh “bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam” sau khi tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trước đó cùng ngày.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng tàu cá Việt Nam “đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc và làm hư hại tàu hải cảnh” của họ, theo bài xã luận ra ngày 11/4 của Hoàn cầu Thời báo – một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo (People’s Daily). Tờ báo này cho biết “Trung Quốc có đủ bằng chứng bằng video của những gì đã thực sự xảy ra trong vụ đụng độ để chứng minh sự vô tội của họ.”
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales – người chuyên phân tích về các vấn đề Việt Nam và khu vực – cho rằng tuyên bố của Trung Quốc rằng tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh của Trung Quốc là một sự “tuyên truyền và hoàn toàn đánh lạc hướng” dư luận. Theo vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Úc, cần phải có thêm chi tiết về vụ đụng độ mà Trung Quốc lại “chưa cung cấp bằng chứng bằng video để hỗ trợ cho tuyên bố của họ.”
VOA đã liên lạc với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin bình luận về những cáo buộc trên của tờ báo Trung Quốc cũng như liệu Hà Nội có yêu cầu Bắc Kinh đưa ra bằng chứng về việc tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh Trung Quốc hay không, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Hoàn cầu Thời báo còn cho rằng Việt Nam “tìm kiếm bồi thường” trong vụ đụng độ trên biển Đông giữa lúc có những áp lực về kinh tế khi đưa ra số liệu cho thấy “hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đang tạm ngừng hoạt động và hơn 40.000 người có nguy cơ thất nghiệp” giữa lúc bùng phát dịch Cúm Vũ Hán.
Tờ báo của Trung Quốc nhận định Việt Nam dùng vụ đụng độ trên biển Đông lúc này để đánh lạc hướng sự “yếu kém” trong việc đối phó với đại dịch virus Cúm Vũ Hán.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vụ đụng độ với tàu cá Việt Nam diễn ra hôm 3/4 gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và ít nhất 5 thượng nghị sỹ Mỹ đã đưa ra các thông cáo chỉ đích danh tàu hải cảnh Trung Quốc là thủ phạm đâm chìm tàu cá Việt Nam. Mỹ nói họ sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh và các đối tác trong khu vực đảm bảo tự do hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng trước, Mỹ đã đưa một tàu sân bay cập cảng Đà Nẵng.
Trước sự chỉ trích của Mỹ, Hoàn cầu Thời báo cho rằng Washington đang “đứng về phe” với Hà Nội và “đổ trách nhiệm” cho Bắc Kinh.
“Sự ủng hộ ngay tức thì của Mỹ sẽ khích lệ chính phủ Việt Nam và ngư dân Việt Nam tham gia vào hoạt động khai thác IUU (đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định),” Hoàn cầu Thời báo nói và cho rằng điều này sẽ xâm phạm lợi ích và quyền lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo ở Tây Sa “một cách trơ tráo”.
“Điều này có thể sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam,” tờ báo của Bắc Kinh cảnh báo và kết luận rằng “dù gì thì cả Mỹ và Việt Nam đang thổi bùng thêm ngọn lửa nhằm đạt được các mục đích chính trị của họ.”
Chỉ vài ngày sau khi Hoàn cầu Thời báo cảnh báo sự leo thang, Trung Quốc đã gửi ngay tàu khảo sát Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo dữ liệu hành trình hàng hải mà Reuters trích dẫn, tàu Hải Dương 8 – từng tiến hành khảo sát địa chấn trong lãnh hải Việt Nam nhiều tháng trời vào năm ngoái – hôm 14/4 đã xuất hiện ở khu vực cách bờ biển Việt Nam khoảng 158km và trong vùng đặc quyền kinh tế. Chiếc tàu này được ít nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống. Cũng theo dữ liệu này, có ít nhất 3 tàu của Việt Nam đang đi theo hướng của tàu Trung Quốc.
Nhận định về việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát trở lại Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với Reuters rằng đây “là hành động của Bắc Kinh nhằm một lần nữa đưa ra các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở trên biển Đông.”
“Trung Quốc đang lợi dụng việc đánh lạc hướng vào đại dịch virus Cúm Vũ Hán để tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển Đông giữa lúc Mỹ và châu Âu đang phải đối phó với loại virus mới,” theo TS Hợp.
Để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam hôm 7/4 nói họ đã gửi công hàm lên LHQ, sau khi Philippines và Malaysia đã có động thái tương tự.
Công hàm do phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Nhưng ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các quần đảo Tây Sa –mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa – và Nam Sa – là Trường Sa theo cách gọi của Việt Nam – thuộc lãnh thổ Trung Quốc và rằng các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam là “phi pháp và không có giá trị.”
Người phát ngôn của Bắc Kinh, Triệu Lập Kiên, nói các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam “vi phạm luật quốc tế bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về luật biển.”
Bộ Ngoại giao lên tiếng về thông tin tàu Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông.
Bà Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định điều đó khi trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 14/4 về thông tin một nhóm tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông.
“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”, Người phát ngôn nhấn mạnh.
Hãng tin Reuters hôm qua dẫn thông tin từ Marine Traffic, một trang web chuyên theo dõi di chuyển của các tàu thuyền trên thế giới, cho biết tàu khảo sát Hải dương 8 và ít nhất một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158 km.
Trước đó, vào tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc, trong đó có Hải dương 8, đã liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Đến cuối tháng 10/2019, nhóm tàu trên mới rút đi sau khi Việt Nam nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi phạm.
Theo tường thuật của truyền thông Trung Quốc, tại cuộc họp báo, khi một phóng viên hỏi: “Có tin nói, một tàu đánh cá Việt Nam đã chìm sau khi va chạm với tàu Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển Tây Sa (tức Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) vào sáng sớm ngày 2/4. Bà có thể xác nhận điều này? Trung Quốc có bình luận gì?”.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời: “Vào sáng sớm ngày 2/4, tàu Hải cảnh Trung Quốc trong khi tuần tra định kỳ đã phát hiện một chiếc tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (tức Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), đã lập tức gọi loa xua đuổi. Chiếc tàu đánh cá này không chịu rời đi và đột nhiên chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm. Hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức giải cứu tàu đánh cá Việt Nam. Tất cả 8 ngư dân Việt Nam trên tàu đã được cứu lên mà không có ai thương vong. Sau khi tiến hành thủ tục điều tra và thu thập chứng cứ cần thiết, Hải cảnh Trung Quốc đã cho 8 ngư dân hồi hương”.
Bà Hoa Xuân Oánh còn xuyên tạc hoạt động đánh cá bình thường của ngư dân ta ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa khi nói: trong thời gian gần đây, các tàu cá Việt Nam “thường xuyên xâm nhập vào lãnh hải và nội thủy của Quần đảo Tây Sa của Trung Quốc đánh bắt cá, phớt lờ việc thực thi pháp luật của phía Trung Quốc và thậm chí có những hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc”; rằng “Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng và không hài lòng mạnh mẽ với Việt Nam về vấn đề này, yêu cầu phía Việt Nam giáo dục và kiểm soát hiệu quả các tàu cá và ngư dân của mình, không xâm phạm đánh bắt cá ở khu vực biển có liên quan của quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, càng không được có hành động nguy hiểm chống lại lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc”.
Liên tiếp những ngày gần đây, các thượng nghị sĩ Mỹ lên tiếng về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông.
Hôm 11/4, Thượng nghị sĩ Cộng hòa của bang Arkansas, Tom Cotton, đã đưa ra thông cáo về việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.
“Trung Quốc tấn công các ngư dân để thực thi các yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông. Mỹ đứng về phía đồng minh và đối tác của mình tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, trong việc bảo vệ công dân và chủ quyền của họ khỏi sự hung hăng của Trung Quốc“, ông Tom Cotton nói trong bản thông cáo.
Ông Cotton là thượng nghị sĩ Mỹ thứ 5 lên tiếng về việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và triển khai máy bay quân sự ở Biển Đông.
Trước đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên án tàu hải cảnh Trung Quốc là thủ phạm đâm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác bảo vệ tự do hàng hải.
Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông cáo rằng “Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế ở toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Thông cáo nhấn mạnh: “Đại dịch viêm phổi Vũ Hán càng nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vì điều đó tạo điều kiện cho phép chúng ta giải quyết mối đe dọa chung này theo cách minh bạch, tập trung và hiệu quả”.
Giới quan sát đánh giá đây là một tuyên bố nặng ký của Hoa Kỳ trước sự việc tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam chở 8 ngư dân tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông hồi tuần trước.
Một nhà quan sát và phân tích an ninh, chính trị khu vực nói: “Tôi hiểu rằng tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ còn nặng ký hơn của tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.’’
Đứng trước tình hình Trung Quốc leo thang các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, quân đội Việt Nam cần chuẩn bị tốt để bảo vệ tổ quốc.
Về mặt đối nội, Đảng Cộng sản VN cần thực hiện hiến pháp từ những ngày đầu mới dành được độc lập – đó là Dân chủ hóa với bầu cử tự do cho trên 90 triệu người dân nước này.
Về mặt đối ngoại, với những bằng chứng xâm nhập và ngộ nhận chủ quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh, họ đã thể hiện sự hung hăng và luôn tìm mọi cách bắt nạt Việt Nam.
Đây cũng là lúc Hà Nội cần lên phương án khởi kiện Trung Quốc sớm nhất ra tòa án quốc tế, để nhận được sự ủng hộ của những nước Dân chủ và Tự do trên thế giới.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)