Truyền thông quốc tế mới đây đã đưa tin Hoa Kỳ lên kế hoạch áp dụng biểu thuế mới và hạn ngạch, cũng như nhiều biện pháp hạn chế khác đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay từ tháng 01/2021.
Công ty luật thương mại quốc tế Sandler, Travis and Rosenberg cho rằng Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dường như tăng tốc để có thể áp đặt biểu thuế mới sớm nhất có thể.
Công ty này nhận định sau thời hạn lấy ý kiến công chúng ngày 12/11 và sau các phiên điều trần, các biện pháp áp thuế mới có thể được ban hành chỉ hai tuần trước ngày chuyển giao quyền lực giữa Trump và Biden.
Đơn vị này cũng cho biết các nhà nhập khẩu gỗ sản xuất tại Việt Nam sẽ bị tác động đặc biệt vì các biện pháp hạn chế mới này.
Không ngừng ở gỗ và tiền tệ, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức thông báo khởi động điều tra chống phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, hồi đầu tháng 11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam, một trong các lý do mà Mỹ đưa ra là tiền đồng của Việt Nam “bị định giá thấp”.
Theo tuyên bố ngày 04/11 của Bộ Thương mại Mỹ, đây là lần đầu tiên Bộ áp thuế chống trợ cấp đối căn cứ vào giá trị của một loại ngoại tệ.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết trong tuyên bố rằng: “Quyết định sơ bộ thể hiện một bước tiến quan trọng đối với nghị trình thương mại Nước Mỹ trên hết”.
Chính quyền của ông Trump “sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này để đảm bảo ngành công nghiệp Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng”.
Mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam dao động từ 6,23% đến 10,08%.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, siêu cường thế giới nhập khẩu lượng lốp xe hơi từ Việt Nam có trị giá khoảng 469,6 triệu USD trong năm 2019.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ hướng dẫn Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ thu tiền tạm ứng từ các nhà nhập khẩu lốp xe du lịch từ Việt Nam dựa trên tỷ giá sơ bộ.
Bộ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế vào khoảng tháng 03/2021, cũng là lúc Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ này.
Việc đánh thuế xảy ra tiếp sau thông báo hồi tháng 10 của chính quyền ông Trump về cuộc điều tra thương mại của Mỹ đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Một quy định mới của chính quyền Tổng thống Trump hồi đầu năm nay cho phép Bộ Thương mại Mỹ xem việc định giá thấp tiền tệ là một yếu tố trong việc quyết định các loại thuế chống trợ giá đối với một đối tác thương mại. Cũng thời điểm này, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt kê Việt Nam vào danh sách 10 nước “có lẽ” sử dụng tỷ giá hối đoái để đạt được lợi thế về xuất khẩu so với Mỹ.
Vì vậy mà Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia mà Washington coi là cần theo dõi về nguy cơ thao túng tiền tệ do có thặng dư thương mại với Mỹ.
Tiếp đó, hồi tháng 08, Bộ Tài Chính Mỹ đã tuyên bố rằng Việt Nam chủ tâm định giá tiền đồng thấp hơn đồng đô la Mỹ khoảng 4,7% trong năm 2019.
Nhân chuyến thăm Hà Nội trong hai ngày 20 và 21/11 mới đây, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã nói với các nhà lãnh đạo Hà Nội rằng họ phải kiểm soát hàng xuất khẩu Trung Quốc trung chuyển bất hợp pháp qua Việt Nam đồng thời mua thêm hàng hoá của Hoa Kỳ, như khí đốt tự nhiên hoá lỏng và thiết bị quân sự, để tránh bị áp thuế trừng phạt của Mỹ.
Theo Bloomberg, ông O’Brien cho biết ông đã nói với các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ Việt Nam rằng việc ngăn chặn các chuyến hàng trung chuyển trái phép từ Trung Quốc và giảm thâm hụt thương mại với Mỹ “có thể là cơ sở cho việc thu hồi lại” các biện pháp thuế quan.
Vẫn theo phát biểu của ông Robert O’Brien với Bloomberg, trước những mong mỏi của Việt Nam muốn được chia sẻ thông tin quân sự, cũng như muốn có thêm trang thiết bị từ tuần duyên Mỹ để bảo vệ tốt hơn các vùng lãnh hải, Washington có thể hỗ trợ tài chính cho Việt Nam để mua trực thăng của Mỹ, nhằm giảm bớt thâm hụt mậu dịch song phương với Việt Nam, đã lên đến mức kỷ lục 56 tỷ đô la trong năm 2019.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ, và điều này khiến Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái cáo buộc Việt Nam là nước “lạm dụng” thương mại “tồi tệ” hơn cả Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 08 vừa qua, với mức âm hơn 7,5 tỷ USD trong một tháng. Tổng mức thâm hụt thương mại tính cho tới hết tháng 08 năm nay là hơn 42,3 tỷ USD, cao hơn 8 tỷ so với cùng kỳ năm trước đó. Mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm 2019, hơn 55,7 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử trao đổi hàng hoá giữa hai nước kể từ 1992.
Trong bối cảnh Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố cuộc điều tra về việc Việt Nam thao túng tiền tệ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng phủ nhận chính sách tỷ giá tiền tệ của Việt Nam nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại và mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump “đánh giá khách quan hơn về thực tiễn Việt Nam”.
Nhân dịp đón tiếp đón Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ Adam Boehler và đoàn công tác cấp cao của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam nhằm “thảo luận một loạt các cơ hội” hôm 26/10, tại Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội, Thủ tướng Phúc nói: “Trên thực tế, nếu phá giá đồng Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, thiệt hại sẽ rất lớn đối với cả nền kinh tế.”
Thủ tướng Phúc đề nghị tổng giám đốc DFC “có tiếng nói với Tổng thống Hoa Kỳ” để có “đánh giá khách quan hơn về thực tiễn tại Việt Nam.”
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đề nghị ông Boehler nói với USTR và các cơ quan Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam “thực hiện Kế hoạch hành động hướng tới thương mại cân bằng đã được thống nhất cuối năm 2019” để “hài hoà với các cam kết của Hoa Kỳ về một Việt Nam ‘mạnh, độc lập và thịnh vượng’ và quan hệ Đối tác toàn diện hai nước.”
Truyền thông trong nước đưa tin trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc hôm 26/10, đại diện Bộ Tài chính Mỹ cho biết Hoa Kỳ “rất quan tâm đến các chính sách tiền tệ, chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại, đánh giá cao các bước tiến mà Việt Nam đạt được, mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan chức năng của Việt Nam”.
Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 06 đã rằng họ sẽ hợp tác với các nhà điều tra của Mỹ về vấn đề này và sẽ “cung cấp tất cả những thông tin cần thiết về việc trợ giá và định giá thấp tiền tệ cho phía Mỹ” để họ có được “cơ sở dữ liệu đầy đủ trước khi đưa ra kết luận.”
Đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định rằng một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn để chứng minh Việt Nam “không thao túng tiền tệ”.
Việt Nam được cho là đang nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ từ năm ngoái và mới đây phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Việt Nam còn cho biết rằng sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm trấn áp các hoạt động hàng xuất khẩu của Trung Quốc ‘đội lốt’ Việt Nam để tránh các mức thuế cao hơn của Mỹ.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đài Loan tự đóng tàu ngầm “quyết chiến” với Trung Quốc
>>> Liệu Bắc Kinh có “tha” cho Hà Nội?
>>> Thủ Thiêm: Dân sống bờ hè – Đảng xây nhà hát
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT