Xóa bỏ độc quyền vàng miếng: Thủ tướng Chính đập bể “nồi cơm” của Tổng Trọng?

 

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) quy định, nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Dư luận xã hội và giới chuyên môn cho rằng, Nghị định 24 đã tạo ra một cơ chế bất công, một hình thức móc tiền của dân, thông qua các chính sách bất hợp lý, mang tính độc quyền.

Cụ thể, vàng miếng SJC do nhà nước độc quyền kinh doanh, sản xuất, luôn có giá đắt hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua và giá bán lên tới 3 – 4 triệu đồng/lượng.

Ngoài ra, chính sách này còn tạo điều kiện cho việc buôn lậu vàng từ nước ngoài vào Việt Nam. Cứ mỗi lượng vàng buôn lậu, được dập theo khuôn mẫu SJC vàng miếng 99,99 và đem vào Việt Nam tiêu thụ, thì giới buôn lậu thu lợi ngay lập tức khoảng 15 – 16 triệu đồng/lượng.

Báo Lao Động ngày 29/12/2023 đưa tin, với tiêu đề, “Ngân hàng Nhà nước sẽ xóa sổ chính sách độc quyền vàng miếng SJC?”. Bản tin cho biết, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 1/2024, một số cơ chế quản lý thị trường vàng miếng SJC sẽ được sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung, một số cơ chế quản lý thị trường vàng, để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Đáng chú ý, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, “Từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ thuê Công ty SJC gia công vàng miếng khi có nhu cầu, và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.”

Tuyên bố này của ông Đào Xuân Tuấn đã cho thấy, có một sự hiểu sai lâu nay của công luận, khi nghĩ rằng, kể từ sau năm 2012, Nghị định 24 quy định, Công ty SJC được chọn độc quyền kinh doanh vàng miếng.

Trong khi thực chất, việc sản xuất và kinh doanh vàng miếng hoàn toàn do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất và quản lý. Nhãn hiệu SJC do Nhà nước độc quyền, được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, và là một thương hiệu duy nhất hoạt động trên thị trường.

Như vậy, tuyên bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước, phải chăng là tín hiệu cho thấy, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chủ trương xóa sổ tệ nạn độc quyền trong việc quản lý và kinh doanh vàng miếng SJC.

Nếu biết rằng, Nghị định số 24 của Chính phủ, ra đời từ tháng 4/2012, nhằm tránh việc “vàng hóa” kinh doanh thương mại, đồng thời kiểm soát việc kinh doanh trên thị trường vàng.

Kể từ đó tới nay, giá vàng miếng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới, dao động từ 5 – 15 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, những ngày cuối năm 2023 vừa qua, giá vàng trong nước còn cao hơn gần 20 triệu đồng/lượng, so với giá vàng quốc tế.

Bằng chính sách độc quyền, hơn 11 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiếm biết bao nhiêu lợi nhuận từ tiền chênh lệch này. Không ai biết con số cụ thể, song rõ ràng, toàn bộ mảng độc quyền kinh doanh vàng đã trở thành miếng mồi béo bở cho các nhóm lợi ích trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam kiếm chác.

Nhà báo Ngô Hữu Nguyệt đã viết trên trang Facebook cá nhân một status, với tiêu đề “Nhóm lợi ích vàng miếng!”.

Tác giả đánh giá rằng: “Không đâu như nước mình, người dân bị xẻ thịt từ chứng khoán, từ bảo hiểm ngân hàng, cho đến giá vàng. Cũng không đâu như ở nước mình, giá vàng mua đi bán lại lập tức bị lỗ mấy triệu.

Càng lạ lùng hơn, Công ty SJC được chọn độc quyền kinh doanh vàng miếng một cách phi lý đến tận cùng. Lại càng phi lý hơn, một ổ nhóm lợi ích sừng sững mang tên SJC thao túng từ giá vàng đến chất lượng vàng, mà không thấy ai chỉ mặt điểm tên.

Đời thuở nào giá vàng trong nước lại chênh lệch đến mười mấy triệu so với quốc tế?!”

Chưa hết, đánh giá về hệ lụy xấu đối với nền kinh tế, về nguy cơ tạo ra sự bất ổn, méo mó thị trường vàng, và gây thiệt hại lớn cho khách hàng trong thời gian dài, nhà báo Ngô Nguyệt Hữu cho rằng:

“Càng tận cùng vô lý khi mua vàng không được kiểm tra chất lượng, phải giữ nguyên miếng vỏ bọc ny-lon nếu không muốn bị giảm giá khi bán.

SJC đã tự tung tự tác bao nhiêu năm nay, rõ ràng, nếu không có sự đỡ đầu lẫn chia chác từ các đại quan, tuyệt đối không bao giờ có chuyện nhắm mắt cho qua, để SJC lộng quyền đến vậy. Mười mấy năm nay, túi tham của họ vẫn chưa đầy?!”.

Hậu quả của chính sách độc quyền vàng miếng theo Nghị định số 24, cho thấy, người dân bị thiệt hại đủ đường. Đó là việc luôn phải mua vàng giá cao hơn thế giới, thị trường vàng bị độc quyền, không có sự cạnh tranh, dẫn tới thị trường trường vàng ở Việt Nam luôn luôn không minh bạch, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực kinh tế tư nhân.

Lâu nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam vẫn cho rằng, tiền vàng trong dân còn nhiều lắm. Điều này thể hiện sự thèm khát kiểm soát toàn bộ số vàng đang có trong dân.

Nếu biết rằng, Nghị định số 24 ra đời từ tháng 4/2012, chỉ hơn một năm sau khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2011.

Như vậy, nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn xóa sổ tệ nạn này, cũng có nghĩa là, phải chăng, Thủ tướng Chính đang tìm cách đập bể “nồi cơm” của Tổng Trọng và nhóm lợi ích của Tổng Bí thư?

Tóm lại, việc độc quyền kinh doanh vàng hay độc quyền về chính trị đều không tốt. Đã đến lúc, chính quyền cần làm rõ chuyện độc quyền kinh doanh sản xuất vàng miếng SJC. Các quan chức, nhóm lợi ích lợi dụng chính sách này để trục lợi, cần phải xử lý nghiêm./.

Trà My – Thoibao.de

1.1.2024