Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh muốn gia tăng trấn áp tự do ngôn luận

Ngày 18/7, RFA Tiếng Việt có bài bình luận, “Yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội mới được bình luận là “trấn áp tự do ngôn luận”’.

RFA dẫn báo nhà nước, cho hay, trong cuộc họp của Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/7, ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông thành phố, đề nghị, cần có quy định, tài khoản mạng xã hội được định danh mới được bình luận, khi trả lời đại biểu về giải pháp xử lý tin giả, xấu, độc, trên mạng.

Theo đó, chủ sở hữu tài khoản mạng xã hội sẽ phải cung cấp thông tin của bản thân, như: tên thật, số điện thoại, địa chỉ email, hoặc giấy tờ tùy thân, nhằm chứng minh danh tính của mình.

Theo RFA, báo Thanh Niên dẫn lời một số người dùng, bày tỏ sự ủng hộ về đề xuất này của ông Thắng, trong việc “góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, ứng xử phù hợp với thuần phong mỹ tục, quy định của pháp luật”.

Bài báo trích dẫn ý kiến của 2 công dân của thành phố, nói rằng, việc yêu cầu định danh cá nhân, sẽ giảm đi tình trạng tài khoản có nội dung độc hại, lừa đảo người dùng, cũng như hạn chế việc công kích cá nhân trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, RFA dẫn ý kiến của một giảng viên kỳ cựu của Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội, cho rằng, chỉ với quyền lực của an ninh Việt Nam hiện nay, họ có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin, và giải quyết được nạn lừa đảo trực tuyến.

Nhưng theo ông thì vấn nạn này đang tràn lan, và an ninh Việt Nam không quyết tâm ngăn chặn, và mục đích duy nhất của đề nghị này là đàn áp tự do ngôn luận.

RFA cũng dẫn nhận định của cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga, người bị kết án 5 năm tù giam, về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”, vì nhiều bài viết về tự do và dân chủ trên mạng Facebook, cho rằng:

Việc bắt người dùng mạng xã hội phải định danh thì sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam hầu như đang làm mọi cách để hạn chế tiếng nói của những người bất đồng quan điểm, có lẽ là mục đích lớn nhất là nhắm vào với những người bất đồng chính kiến như thế.”

RFA nhắc lại, báo Tuổi Trẻ Online ngày 19/12/2023, trích dẫn báo cáo tổng kết an ninh mạng Việt Nam 2023, do Công ty an ninh mạng NCS công bố, nói rằng, tình trạng lộ, lọt dữ liệu của người dùng tại Việt Nam đã ở mức báo động. Chỉ cần bỏ ra vài nghìn đồng là có được dữ liệu cá nhân của một người, thông qua số điện thoại liên lạc.

Công ty an ninh mạng NCS đưa ra nguyên nhân chính, dẫn đến việc dữ liệu tại Việt Nam bị lọt vào tay kẻ xấu, đó là, các hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin người dùng, nhưng không đảm bảo an ninh, từ đó bị tin tặc (hacker) xâm nhập lấy cắp dữ liệu, hoặc bị nhân viên chủ động bán ra ngoài thu lợi bất chính.

RFA dẫn quan điểm của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, cho rằng, số đông dân chúng hàng ngày phải đối mặt với vấn nạn trực tuyến, như tin rác, lừa đảo trực tuyến, bạo lực, dụ dỗ tình dục … nhưng nhà nước chưa có một cơ chế hay chính sách nào để bảo vệ họ.

Ông Dũng cho rằng:

Về mặt kỹ thuật, thì đề nghị này hoàn toàn khả thi, đối với các nền tảng được phát triển bởi Việt Nam, chẳng hạn như Zalo.”

“Còn với các công ty công nghệ của nước ngoài, như X, Google hay Meta, thì họ luôn có chính sách của riêng họ, dù vẫn phải lắng nghe kiến nghị xử lý thông tin liên tục đến từ nhà cầm quyền Việt Nam.”

Theo ông Dũng, an toàn thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội, phụ thuộc vào sự bảo mật và chính sách của nền tảng họ dùng, chứ không phải cứ cấp thông tin cá nhân cho công ty là người dùng mất an toàn thông tin. Ví dụ, Facebook cũng thường đòi xác minh danh tính bằng giấy tờ tùy thân, khi có khiếu nại.

Còn theo vị giảng viên đại học ở Hà Nội, nếu thực hiện được kế hoạch định danh, thì nhà nước độc đảng ở Việt Nam sẽ bất lợi, vì đội ngũ dư luận viên sẽ không còn cơ hội lập các tài khoản giả để đi bình luận nữa.

 

Thu Phương – thoibao.de