Vì sao đảng làm khó thành phần yếu thế sống nhờ vỉa hè

Ngày 1/1/2024, BBC Tiếng Việt có bài “Vỉa hè thành phố Hồ Chí Minh sẽ hết bị “xẻ thịt” khi cho thuê?”

Theo đó, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh triển khai cho thuê vỉa hè tại một số tuyến đường, ngay ngày đầu tiên của năm mới 1/1/2024, một lần nữa tạo ra tranh luận sôi nổi về vai trò của vỉa hè, cũng như chính quyền phải làm gì để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

BBC dẫn quan điểm của nhà văn Nguyễn Viện, người gắn bó với Sài Gòn từ 1961 đến nay, cho rằng:

“Không chỉ tiện lợi với cả người mua và người bán, vỉa hè còn là chỗ tụ tập bạn bè tán gẫu, hay để nhìn ngắm “ông đi qua, bà đi lại”. Niềm vui được cộng hưởng bởi sự thoải mái của cái bình dị.”

Với ông, buôn bán vỉa hè “đã trở thành một thứ văn hóa không phải là đặc quyền của người ít tiền, mà nó là một cách sống, một cách chọn niềm vui ở cuộc đời này”.

Theo BBC, vấn đề thu phí vỉa hè theo từng tuyến đường, được Sở Giao thông Vận tải thành phố đề cập từ năm 2017, nhưng chỉ được đưa ra lấy ý kiến các sở ngành từ tháng 2/2023.

BBC dẫn lời Tiến sĩ Bùi Uyên, cho rằng, không gian vỉa hè là “một thành phần quan trọng của quy hoạch đô thị, là cầu nối, là giao tuyến giữa không gian tư nhân và không gian công cộng”.

“Việc định vị một giới hạn, không gian cho sử dụng khai thác lòng đường, vỉa hè, không đơn thuần là một vạch sơn, mà còn phải là sự thống nhất, thuận tiện và mỹ quan trong tổng thể chung với các yếu tố liên quan như lối đi bộ, bố trí cây xanh, trang thiết bị đô thị, mặt tiền nhà. Vì vậy, quản lý để thu phí sử dụng vỉa hè cần phải nhìn nhận thêm như công tác thiết kế đô thị, chứ không chỉ đơn thuần là một không gian chức năng giao thông vận tải.”

Kiến trúc sư Sơn Đặng cũng được BBC dẫn lời, cho rằng:

“Áp dụng cách quản lý vỉa hè của các nước phương Tây vào “cơ thể” đô thị Việt Nam, chỉ chứng tỏ những người đề xuất chính sách chưa thật sự hiểu sâu về cấu trúc của các đô thị Việt Nam.”

“Chính vỉa hè, lòng đường là thứ giúp nhiều triệu người Việt Nam nuôi được gia đình của họ, tạo ra sự dẻo dai thần kì cho nền kinh tế còn khá nhỏ bé của Việt Nam, đóng vai trò như một lưới an sinh xã hội. Việt Nam cũng đang gặp suy thoái, thiết nghĩ đây không phải là thời điểm để “làm khó” miếng cơm của thành phần yếu thế sống nhờ vỉa hè,” ông nêu ý kiến.

BBC tiếp tục dẫn ý kiến của luật sư Ngô Anh Tuấn, nói rằng:

“Tôi nghĩ là, việc quản lý cho thuê thì phải đảm bảo đến những không gian xung quanh, để cho người đi thuê – khi đó đã có quyền chiếm hữu sử dụng – phải có quyền định đoạt trong phạm vi đã thuê. Tôi nghĩ, đây là việc hoàn toàn có thể làm được. Tôi nghĩ chỉ có áp dụng thực tế mới biết hết những vấn đề nảy sinh.”

“Sẽ khó mà có được những bằng chứng cụ thể về nạn “bảo kê” vỉa hè hiện nay. Tuy nhiên, để dập tắt những suy đoán trong dư luận, tôi nghĩ, chính sách cho thuê vỉa hè này cần phải đảm bảo tính minh bạch, đặc biệt về nguồn thu” – luật sư Tuấn đánh giá.

Kiến trúc sư Sơn Đặng thì đưa ra một ví dụ về Trung Quốc

“Sau Covid, chính quyền Trung Quốc chủ động mở đường cho nhân dân tràn xuống đường kiếm sống. Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng nên một bộ cẩm nang cho phép người dân được sử dụng vỉa hè để buôn bán. Mùa suy thoái mới thấy sức mạnh của nền kinh tế hàng rong sẽ nuôi sống được rất nhiều triệu dân đô thị.”

Bên cạnh đó, BBC cho biết, Bangkok có chính sách cho thuê vỉa hè từ năm 2020. Chính quyền thông báo những điểm cho phép người dân buôn bán thức ăn. Chính phủ Thái Lan rất quan tâm đến việc đảm bảo bộ mặt đô thị cho ngành công nghiệp du lịch, nên rất cẩn trọng điều này, và cuộc chiến chống lấn chiếm vỉa hè, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được thực hiện ráo riết.

Thu Phương – thoibao.de

3.1.2024