Trong thời gian gần đây, tình trạng các quan chức tham nhũng nhanh chóng xin nộp tiền khắc phục hậu quả, trước khi tòa tuyên án, đã trở nên hết sức phổ biến.
Nghi can Trần Văn Hiệp, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, chỉ một ngày sau khi bị khởi tố bắt giam, đã nhanh nhảu nộp ngay 4.2 tỷ đồng để “khắc phục hậu quả”.
Hay trước đó, trong vụ án Hạc Thành Tower ở Thanh Hóa, các bị can là cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, mỗi người đã nộp 22,5 tỷ đồng.
Bà Đinh Cẩm Vân – cựu Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa – đã nộp 10 tỷ đồng. Ngoài ra, các bị can có liên quan còn lại trong vụ án ở Thanh Hoá cũng đã nộp tiền khắc phục sai phạm. Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng số tiền khắc phục sai phạm trong vụ án này là 55,8 tỷ đồng.
Công luận thắc mắc và đặt câu hỏi, với mức lương và phụ cấp bình quân của một lãnh đạo cấp tỉnh, ví dụ như Bí thư Tỉnh ủy, cũng không quá 30 triệu đồng/tháng, vậy họ lấy tiền đâu ra để “khắc phục hậu quả” hàng chục tỷ nhanh như vậy?
Và câu trả lời là, đó chính là những đồng tiền do tham nhũng và nhận hối lộ mà có.
Việc các quan chức tham nhũng may mắn nộp tiền “khắc phục hậu quả”, là chủ trương mới và “sáng tạo” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là chủ trương, “Cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì mình “miễn xử hoặc xử nhẹ’”.
Vấn đề này còn được Bộ Chính trị và Ban Bí thư nghị quyết hóa theo yêu cầu của Tổng Bí thư. Đó là Thông báo số 20/BBT-TW, ngày 8/9/2022, của Bộ Chính trị, cho phép lãnh đạo từ uỷ viên Trung ương trở lên, nếu chót tham nhũng, nhưng khắc phục được 2/3 hậu quả gây ra, và chủ động xin thôi chức, sẽ được miễn truy tố hình sự?
Ngoài ra, việc xin nộp tiền bồi thường trước khi tòa tuyên án, được coi là yếu tố giúp cho các quan tham được “nhẹ tội”, cũng được Đảng nghị quyết hóa.
Cụ thể, Nghị quyết số 03 BBT -BCT/2020 về việc thu hồi tài sản tham nhũng, có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2021, quy định rõ:
“Nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ… sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân.”
Trong khi, luật pháp Việt Nam hiện hành vẫn quy định, “việc nộp lại tiền, tài sản do bị cáo phạm tội mà có, là điều bắt buộc, không được sử dụng làm tình tiết để giảm án”.
Nhà báo Trần Thanh Cảnh đã có một status trên trang Facebook cá nhân, với tựa đề “Khi quan tham nộp tiền thì được nhẹ tội”, đã cảm thán:
“Quan tham, chẳng may lộ một vụ, bị bắt ra tòa, kết luận điều tra vụ ấy gây thiệt hại cho nhà nước XYZ đồng. Quan bèn nhắn bảo người nhà trích ngân lượng đem nộp đủ vào ngân sách XYZ đồng, gọi là “khắc phục hậu quả”! Tòa khen, có “tinh thần”!
Cụ chủ lò bảo, thế là được, ta chống tham nhũng đặc thù Việt Nam, rất chi là “nhân văn”… Nên nay, quan chẳng may số nhọ, hơi đen, quay vào ô “mất lượt”, bị lộ một vụ bay ghế đi tù, đền bù thiệt hại… Thì cũng có bằng cái lông con ngỗng đã chén được từ xưa đâu!”
Nhà báo Trần Thanh Cảnh kết luận, “Nên vô tư đi, thoải mái đi! Đời còn dài, lai rai trong trại ít hôm như đi ngủ chỗ khác thôi mà! Rồi mai này ta lại vung vinh… Bởi thế, cứ xử tham nhũng kiểu này thì… tham nhũng vẫn ổn định và phát triển mãi mà thôi!”
Trong vấn đề chuẩn bị nhân sự cho các kỳ Đại hội Đảng, các khóa 12 và 13, lúc đó, ông Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – trên cương vị Trưởng tiểu ban Nhân sự, đã nhiều lần nhấn mạnh: “Không để lọt vào Trung ương cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc.”
Nhưng các đại án gần đây được đưa ra xét xử, hầu hết đều là các “nhân sự được tuyển chọn kỹ càng, khoa học, theo quy trình 3-5-7 bước” mà ông Trọng vẫn tự hào.
Trường hợp của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, mới bị khởi tố bắt giam gần đây, có tài sản lên tới 3 ngàn tỷ tiền gửi trong ngân hàng, và 1 nghìn tỷ cổ phần, cổ phiếu đầu tư, là một ví dụ.
Điều đó cho thấy mức độ giàu có của đa số các quan chức lãnh đạo Việt Nam hiện nay, là không thể tưởng tượng được. Cũng như việc, quan chức giàu nhanh với nhiều tài sản không rõ nguồn gốc, nhưng lại công khai giữa thanh thiên bạch nhật, mà không hề bị xử lý.
Do vậy, theo giới chuyên gia, nhà nước Việt Nam cần áp dụng nghiêm ngặt, đúng, và đủ, luật pháp hiện hành. Phải có những bản án tù chung thân, tuyệt đối không được giảm án, để tăng tính răn đe. Cần sửa luật để tịch thu toàn bộ gia sản “bất minh”, khi chủ nhân không giải trình được xuất xứ, để sung công.
Có như vậy mới tránh được tình trạng Tổng Bí thư Trọng tự tung, tự tác “hại dân”, bảo vệ cho quan tham như hiện nay./.
Trà My – Thoibao.de
7.1.2024