Tô Đại sẽ trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, và nắm trọn quyền lực ở Việt Nam?

Vài ngày qua, liên tiếp có 2 thông tin. Thứ nhất, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng – Giám đốc Công an Quảng Nam, được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy và giới thiệu để bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Thứ hai, ông Nguyễn Linh Ngọc – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, bị Bộ Công an khởi tố, trong vụ án Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương.

Điều đó thể hiện quyết tâm không hề lay chuyển của Tô Chủ tịch, trong việc tiếp tục duy trì và khẳng định quyền lực của mình.

Tại Đại hội Đảng 14 vào tháng 1 năm 2026, Tô Lâm đặt mục tiêu sẽ trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, theo mô hình nhất thể hóa của Trung Quốc. Khi đó, ông sẽ nắm trọn quyền lực lãnh đạo tối cao của Đảng.

Ngày 22/7, RFI có bài “Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư, ông Tô Lâm nắm trọn quyền lực ở Việt Nam”. Trong đó, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp, cho rằng, đây là điều khó có thể đảo ngược được.

Việc nhất thể hóa 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Vào tháng 10/2018, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Tổng Trọng đã kiêm nhiệm Chủ tịch nước, cho đến tháng 4/2021, sau Đại hội Đảng 13.

Giới quan sát và truyền thông phương Tây đều có chung đánh giá, vào tháng 5/2024, ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước – đây được coi là một bước đệm “quan trọng” cho việc thăng tiến lên Tổng Bí thư. Ông sẽ có khả năng tiếp tục củng cố quyền lực hơn nữa.

Trong lúc này, dù chỉ là tạm quyền, song việc ông Tô Lâm đang nắm cả 2 chức vụ cao nhất Việt Nam, là một thắng lợi toàn diện. Theo đó, đây là vấn đề đã được ông Tô Lâm suy tính từ nhiều năm, ông ý thức rất rõ về vai trò của chức vụ Bộ trưởng Công an – là vị trí trung tâm chiến lược trong bộ máy nhà nước Công an trị.

Nhờ vị trí chiến lược này, đã từ lâu, ông Tô Lâm trở thành là một ứng viên có tiềm năng lớn, để thay thế ông Trọng trên cương vị Tổng Bí thư.

Theo tính toán, nếu cần thiết, Ban Chấp hành Trung ương có thể quyết định triệu tập một phiên họp “bất thường”. Ngược lại, Hội nghị Trung ương 10 sẽ là thời điểm ra Nghị quyết, xác nhận Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tạm quyền Tổng Bí thư, để lãnh đạo Đảng từ nay đến Đại hội 14.

Bước sang Đại hội 14 đầu năm 2026, khả năng cao, ông Tô Lâm sẽ được bầu làm Tổng Bí thư. Để có được thành quả lớn lao như hiện nay, ông đã thành công tại Hội nghị Trung ương 8, khóa 13, hồi đầu tháng 10 năm 2023, làm cho kế hoạch nhân sự “chủ chốt”, cũng như mọi phương án nhân sự cho Đại hội 14 của Tổng Trọng phá sản.

Đến tháng 5/2024, Tô Lâm trở thành nhân vật quyền lực số 2 của Đảng. Đây là kết quả của sự tính toán và chuẩn bị của ông Tô Lâm.

Một điểm quan trọng khác, vào thời điểm đó, với việc tình trạng sức khỏe của Tổng Trọng không được tốt. Ông Trọng thường xuyên phải ở trong Bệnh viện Quân Y 108, để được chăm sóc sức khỏe. Đó cũng là lúc mà ông Tô Lâm chính thức lĩnh trách nhiệm về công cuộc chống tham nhũng.

Kể từ đó, Bộ trưởng Tô Lâm hoàn toàn kiểm soát được bộ máy Đảng và nhà nước, có khả năng chi phối đối với các uỷ viên Bộ Chính trị, cũng như Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tới mức, có thể ra quyết định “tiền trảm, hậu tấu” đối với một số vụ án nhạy cảm, liên quan đến các quan chức cấp cao.

Một điều quan trọng nhất, Tổng Trọng và Tô Lâm có chung quan điểm là phải siết chặt xã hội Việt Nam, phải sử dụng kỷ luật sắt của chế độ Công an trị. Đây là điều khiến cho một bộ phận không nhỏ trong Ban lãnh đạo Việt Nam đặt lòng tin vào Tô Lâm, trong việc đảm bảo an ninh chính trị của chế độ.

 

Trà My – Thoibao.de