Sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời, ngày 20/7, truyền thông Nhà nước Việt Nam đã đăng tải Thông cáo đặc biệt về Lễ Quốc tang, dành cho ông Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng ban Lễ tang. Nhưng không có nhân vật đảm nhiệm cấp phó, dù trong danh sách Ban Lễ tang, có đầy đủ hầu hết quan chức lãnh đạo hàng đầu. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại.
Điều đó cho thấy, sự “đơn độc” của ông Tô Lâm, trên cương vị “tạm quyền” Tổng Bí thư, theo sự phân công của Bộ Chính trị, vào thời điểm sau khi Tổng Trọng qua đời, và chấm dứt ảnh hưởng chính trị đối với Ban lãnh đạo Đảng hiện tại.
Đáng chú ý, chỉ đến khi ông Trọng qua đời, thì mối quan hệ của Tổng Trọng với cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, cũng như các phe cánh khác trong Đảng mới được “bật mí”.
Công luận đã “té ngửa” khi biết rằng, ông Trọng cũng áp dụng kế sách cai trị của người phương Bắc, khi cố tình tạo ra một tình thế “quần ngư tranh thực”, để ông trên cương vị “tọa sơn quan hổ đấu”, “ngư ông đắc lợi”, dễ bề làm chủ quyền lực.
Trong khi ông Trọng, một mặt không giấu giếm sự ủng hộ đối với 2 phe cánh Nghệ An và Hà Tĩnh, vốn làm bệ đỡ quyền lực cho ông lâu nay. Đồng thời, ông lại xúi giục ông Tô Lâm và Bộ Công an tấn công phe Nghệ Tĩnh, để tạo ra mâu thuẫn trầm trọng giữa các bên.
Sự mất đoàn kết và sự hình thành các phe cánh trong Đảng, mang tính vùng miền, là một trong những đặc thù của chính trị Việt Nam, trong gần hết 3 nhiệm kỳ của Tổng Trọng.
Đây là chính sách “chia để trị” hết sức thâm hiểm, đã gây ra tình trạng mất đoàn kết, nghi kỵ lẫn nhau trong Đảng kéo dài, mà Tổng Trọng là kẻ được hưởng lợi nhiều nhất.
Điều vừa kể cho thấy, cái gọi là sức mạnh “vô đối” của ông Tô Lâm lâu nay, về thực chất có thể chỉ là thứ sức mạnh của “tầm gửi”, ăn theo sức mạnh của Tổng Trọng.
Quyền lực của Tô Lâm và Bộ Công an dường như có khả năng lung lay, vì trong Thông báo của Đảng trước khi ông Trọng qua đời, Quyết định của Bộ Chính trị chỉ cho Chủ tịch nước Tô Lâm nắm quyền tạm thời, theo sự “phân công”, và thực hiện trong khuôn khổ các quy định của Bộ Chính trị. Nghĩa là, Chủ tịch Tô Lâm có thể không được phép “tự tung, tự tác” như thời Tổng Trọng còn sống.
Hơn nữa, Thông báo cũng kêu gọi toàn dân, toàn quân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, và sự quản lý của Nhà nước. Điều đó đã cho thấy tính chất vô cùng nghiêm trọng của việc chuyển giao quyền lực trong Đảng.
Hiện nay có tin đồn cho rằng giới tướng lĩnh Quân đội và phe Nghệ Tĩnh hình như đã thể hiện lập trường rõ ràng, khó có thể chấp nhận để Tô Lâm leo lên ghế Tổng Bí thư, dẫu rằng, điều này khó có thể đảo ngược.
Từ nay tới Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị có thể sẽ triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường, hay thường niên, để thông qua Nghị quyết, cử ông Tô Lâm chính thức làm Tổng Bí thư tạm thời, cho đến Đại hội Đảng 14 vào năm 2026.
Vấn đề mấu chốt là, liệu đa số các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam có ủng hộ ông Tô Lâm, ngồi ghế Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng 14 hay không?
Bài học tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng với số phiếu tỷ lệ cao áp đảo, đã bác bỏ đề nghị kỷ luật đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều đó đã khiến ông Trọng phải bất lực. Đây là bài học nhãn tiền cho ông Tô Lâm và phe cánh.
Con đường tiến đến chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng 14 của ông Tô Lâm sẽ “không thuận buồm, xuôi gió”, thậm chí là rất khó khăn. Trong khi, nguyên tắc Nghị quyết phải tuân theo kết quả bỏ phiếu của đa số tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương.
Nếu không, việc đấu đá nội bộ sẽ tiếp tục gay gắt, giống như những tháng trước đây, và kéo dài đến Đại hội 14. Quan trọng hơn, đây là cuộc đấu không trọng tài, nghĩa là cuộc đấu một mất, một còn, giữa 2 phe trong một tổ chức Đảng như “rắn mất đầu”.
Trà My – Thoibao.de