Khi tranh chức thì quan nào cũng khỏe, khi xộ khám thì quan ta lại nặn ra bệnh!

“Ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”, là một thành ngữ của dân gian Việt Nam. Ý nói là, khi có lợi ích (tức ăn cỗ), thì phải là người đi trước để giành phần hơn, còn khi khó khăn (tức lội nước), thì lại nấp sau người khác, để họ gánh rủi ro cho.

Thành ngữ này chỉ tính khôn lỏi, ma mãnh của một số người. Ngày nay, quan chức Cộng sản cũng đang sống theo phương châm như vậy.

Một chính quyền tử tế, qua giáo dục, và cả sự làm gương của những người có trách nhiệm, thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp. Không có một nhà nước vô đạo đức, gian manh và thủ đoạn nào, lại có thể tạo ra được một xã hội thái bình, người dân sống tử tế với nhau được.

Cha nào con nấy, nhà nước nào thì xã nội đấy, không thể có một công thức khác.

Chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ là một nhà nước tử tế. Bởi nếu tử tế, thì họ đã không dựng lên cả một bộ máy tuyên truyền để bao che cái xấu và bịa ra những chuyện tốt, nhồi vào đầu người dân.

Người tử tế không lừa gạt, không dối trá. Chính quyền cũng thế, chính quyền tử tế không lừa gạt, không dối trá với dân.

“Ăn cỗ” đối với quan chức Cộng sản có 2 loại, mâm quyền lực và mâm tiền bạc. Khi nào phân chia mâm quyền lực là quan chức vội vàng chạy trước dành phần hơn. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng đã giành hết những miếng quyền lực ngon nhất, đạp lên Điều lệ Đảng cả về tuổi tác, sức khỏe và giới hạn nhiệm kỳ. Chính ông làm gương cho toàn Đảng rằng, phải “ăn cỗ phải đi trước”, thì làm gì quan chức không noi theo?

Một ví dụ về quan chức sống theo phương châm trên là ông Nguyễn Đức Chung. Khi còn là Giám đốc Công an Hà Nội, cần tranh giành chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, thì ông khỏe như vâm. Tuy nhiên, sau khi bị tóm cho vào lò, thì ông lại la toáng lên rằng, ông bị “ung thư”. Đấy là mẫu người mà khi ăn cỗ thì tranh phần sớm nhất, còn khi “lội nước” thì dùng bệnh “ung thư” để kiếm cớ thoát tội.

Mới đây, khi ra trước vành móng ngựa, bà Nguyễn Bạch Thùy Linh mếu máo: “Bị cáo đang bị bệnh hiểm nghèo, bị ung thư đã di căn lên phổi, xin Hội đồng Xét xử xem xét”.

Tất nhiên, những người này không nói suông, họ đều có giấy chứng nhận của bệnh viện. Bởi trước tòa, cái giấy “xác nhận” có chữ ký của bác sĩ và con dấu bệnh viện là có trọng lượng nhất.

Ông Nguyễn Đức Chung trước đây cũng có giấy chứng nhận bị bệnh ung thư.

Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, em nhà chú của ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng được xác định là mắc bệnh “teo não”. Được biết, hồ sơ bệnh án mới được gia đình cung cấp cho tòa. Có lẽ, nếu bà Thủy không bị pháp luật sờ gáy, thì chưa chắc gì bà có hồ sơ bệnh án này.

Chuyện về quan chức nhà nước Cộng sản bỗng nhiên có “bệnh”, là câu chuyện đã có từ lâu.

Trước đây, một nữ Biên tập viên của VTV, con gái một ông Tổng Giám đốc Đài truyền hình VTV, khi ra nước ngoài, bỗng “ngứa tay” thó đồ trong cửa hàng rồi bị bắt tại trời Âu. Một lần, cô này bị bắt tại Thụy Điển, và một lần khác, cô bị bắt tại Anh Quốc. Tuy nhiên, cả 2 lần cô đều thoát án tù, vì có giấy chứng nhận “tâm thần” từ Việt Nam gửi sang.

Và giờ đây, khi mà quan chức bị dính án tù, thì họ lại chạy chọt cho được hồ sơ bệnh án để nộp cho cơ quan điều tra, để được giảm nhẹ tội. Trò khôn ranh này đã ăn vào máu của người Cộng sản.

Ở nước ngoài, lãnh đạo dám làm dám chịu. Nếu họ sai là họ từ chức, chứ không cố bám vào mâm cỗ quyền lực lấy được, như ông Tổng Bí thư nhà ta. Một Đảng cầm quyền như thế, với những quan chức cùng một “giuộc” như thế, thì lấy đâu ra một xã hội Việt Nam tử tế được?

Ý Nhi – Thoibao.de

11.1.2024