Lần ngã bệnh đầu tiên vào ngày 14/4/2019, khi Nguyễn Phú Trọng đang công tác ở Kiên Giang, tưởng chừng, ông ra đi từ lúc đó. Có lẽ, vì có ý bác sĩ ứng cứu kịp thời, nên giành lại được sự sống cho ông từ tay tử thần. Tuy nhiên, sức khỏe của ông gần như không thể hồi phục được nữa. Lúc ngã bệnh ở Kiên Giang, ông Trọng đã 75 tuổi, tuổi mà lẽ ra ông nên vui thú điền viên, thì ông lại cố bám ghế, mặc dù sức khỏe của ông không cho phép.
Ở Đại hội 13 của Đảng Cộng sản, những tưởng, ông rời khỏi ghế quyền lực, bởi lúc đó, ông không đảm bảo cả 3 điều kiện để ở lại ghế Tổng bí thư. Một là ông đã quá tuổi, hai là quá nhiệm kỳ, và ba là không đảm bảo sức khỏe. Ấy vậy mà ông vẫn bất chấp, vẫn ngồi lại chiếc ghế Tổng Bí thư, tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba.
Ngày 12/1, một tờ báo lớn của Mỹ đăng tin cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – đã nhập viện. Tờ báo này dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức biết về sự việc này, cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng đã phải nhập viện sau khi lâm bệnh nặng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phải hủy cuộc họp trong tuần vừa qua.
Ông Trọng đã phải nhập viện vào đầu tuần này vì một căn bệnh không xác định, theo hai quan chức giấu tên cho biết. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu của tờ báo này, bình luận về sức khỏe của ông Trọng.
Như vậy là, tờ báo quốc tế lớn đã đăng tin, ông Nguyễn Phú Trọng mang bệnh thật chứ không phải là tin đồn, nhưng ông còn sống hay đã mất, thì đến ngày 12/1 vẫn còn là điều bí ẩn.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng chết thì không bàn làm gì, nhưng nếu ông vẫn chưa chết, thì liệu rằng, sau lần ngã bệnh này, ở tuổi “bát thập”, liệu ông còn đủ sức để đảm đương vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nữa hay không?
Hồi năm 2020, ông Nguyễn Xuân Phúc lúc đó là Thủ tướng, đã ký ban hành Quyết định 1295 của Chính phủ, về danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực y tế. Theo đó, những vấn đề liên quan đến sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, như: Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe… thuộc danh mục “tối mật”.
Trước khi có quyết định này, trong Đảng vẫn luôn xem tình hình sức khỏe lãnh đạo là “bí mật quốc gia”. Tuy nhiên, lần ông Trọng ngã bệnh ở Kiên Giang, cái bí mật đấy vẫn không giữ được. Tin tức vẫn lọt ra ngoài và truyền thông nhà nước chạy theo sau truyền thông tự do về vấn đề này. Có lẽ, việc luật hóa “sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia”, nhằm mục đích hạn chế thông tin tuồn ra ngoài chăng?
Bí mật hóa sức khỏe lãnh đạo bằng luật, thì điều đó có nghĩa, sẽ có khả năng, người không đủ sức khỏe vẫn được ngồi vào ghế quyền lực. Những vấn đề quốc gia đại sự mà giao cho người không đủ sức khỏe, nắm quyền trong thời gian dài, là một rủi ro rất lớn cho đất nước.
Lần ngã bệnh thứ hai này, nếu không chết thì cũng chắc chắn một điều rằng, sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng còn sa sút hơn nữa. Nếu ông không chết, thì gần như 100% khả năng là ông vẫn tiếp tục ngồi ghế Tổng Bí thư. Nếu ông chết, thì có thể nói, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ nổi lên những trận chiến quyền lực quyết liệt. Thậm chí, có thể là cuộc chiến sinh tử.
Ở Trung Quốc, người kế nhiệm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, thường được xếp vào chức Phó Chủ tịch nước. Tuy nhiên, bàn cờ chính trị Việt Nam không có quy củ như vậy, mà thường được xác định vào phút chót, tùy thuộc kết quả đấu đá phe nhóm trong nội bộ Đảng.
Ai kế nhiệm chức Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, thì sẽ thừa hưởng hệ sinh thái quyền lực mà ông để lại. So với người tiền nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng xây dựng được một hệ sinh thái quyền lực xung quanh ông rất mạnh, bằng chiến dịch đốt lò. Ghế càng có quyền lực thì càng hấp dẫn, nên nếu ông Trọng chết, chính trường Việt Nam sẽ có nhiều “phim hay” đáng xem.
Ý Nhi – Thoibao.de
14.1.2024