Ngày 7/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Trung Quốc, với thời gian tới 5 ngày. Giới quan sát đánh giá, đây là một sự bất bình thường, trong bối cảnh cuộc chiến ở thượng tầng cung đình Việt Nam đang vào hồi quyết liệt.
Thế lực thù địch của Đảng thì không úp mở, toạc móng heo khi cho rằng, Vương Đình Huệ qua “chầu kiến thiên triều” Bắc Kinh, giữa lúc cuộc chiến giành ghế Tổng Bí thư của Tô Lâm đang vào hồi gay cấn và quyết liệt.
Theo giới quan sát, đây là chuyến đi Trung Quốc lần đầu tiên, sau Đại hội Đảng lần thứ 13 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đến nay, tất cả các nhân vật hàng đầu của Ban lãnh đạo Việt Nam đều đã đi thăm Trung Quốc, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, vào tháng 10/2022.
Đây là điều không lạ, vì ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội vào tháng 9/2023, các quan chức cấp cao của Việt Nam đã “lũ lượt” kéo nhau sang Bắc Kinh. Dường như, họ muốn chứng minh với “bạn vàng” rằng, “chúng tôi không liên quan”. Điển hình là Bộ trưởng Công an ông Tô Lâm.
Điều đó chứng minh, từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chịu sự chi phối trực tiếp từ Bắc Kinh, trong mọi vấn đề.
Nhân sự kế nhiệm cho ghế Tổng Bí thư trong Đại hội 14 của Đảng tới đây, chắc chắn, Ban lãnh đạo Trung Nam Hải có vai trò quyết định không nhỏ.
Điều vừa kể chỉ là một trong muôn vàn các bằng chứng, để chứng minh rằng, từ lâu, Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch thay thế Tổng Trọng bằng một nhân vật thân Trung Quốc hơn, thậm chí có bàn tay “sắt máu” hơn trong việc duy trì chế độ “công an trị”, độc đoán, của nhà nước Việt Nam.
Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao Tập Cận Bình và Trung Nam Hải lại vội vã công khai kế hoạch đưa Tô Lâm lên kế nhiệm ghế Tổng Bí thư của ông Trọng?
Theo giới phân tích, ngoài lý do Tổng Trọng đã tuổi cao, sức yếu, hết giá trị sử dụng, thì việc công khai ủng hộ Tô Lâm là cách gửi thông điệp tới các cá nhân khác cũng tham gia cuộc đua, rằng, hãy coi chừng, chớ trái lệnh của Thiên triều!
Theo giới phân tích, khác với thông lệ của tất cả các kỳ Đại hội Đảng trước đây, kỳ này, khởi tranh cuộc chiến quyền lực sớm và quyết liệt hơn.
Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng – một nhân vật thân cận với Tổng Bí thư Trọng, vốn được đánh giá là trong sạch, bất ngờ trở thành nạn nhân đầu tiên, mở màn cho cuộc tranh giành quyền lực trên thượng tầng. Quan trọng hơn, việc ông Thưởng bất ngờ mất chức vì tham nhũng 64 tỷ đồng cách đây 12 năm, đã cho thấy, tất cả các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, không có ai trong sạch.
Theo giới phân tích, các nạn nhân kế tiếp sẽ là những nhân vật có tiềm năng trở thành ứng viên cho chiếc ghế Tổng Bí thư đầy quyền lực, đó là: ông Vương Đình Huệ, ông Phạm Minh Chính, và bà Trương Thị Mai.
Họ có thể bị các cáo buộc liên quan đến bê bối tham nhũng, nhận hối lội, hay có mối quan hệ “trên mức tình cảm” với những phụ nữ không phải là vợ hợp pháp của mình. Mọi việc có thể khởi nguồn từ tin đồn, tin rò rỉ… trên mạng xã hội.
Công luận và giới thạo tin có chung nhận định rằng, bối cảnh cuộc chiến cung đình ở Việt Nam hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy, mang hơi hướng của cuộc quyết đấu quyền lực “một mất, một còn” – giữa 2 đối thủ chính trị hàng đầu là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Nikey Asia, trước Hội nghị Trung ương 15, khóa 11, thế mạnh trong cuộc đua vào chức Tổng Bí thư tại Đại hội 12, vẫn nghiêng về ông Ba Dũng. Song, với chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từ ngày 23 đến 27/12/2015, đã đảo lộn toàn bộ tình thế.
Theo đó, có các đồn đoán đáng tin cậy, cho rằng, Đại hội Đại biểu Nhân đại Trung Quốc, (tức Quốc hội Trung Quốc), ra Nghị quyết cho phép “Giải phóng Quân Trung quốc được quyền đưa quân đội ra nước ngoài, để bảo vệ thành quả của Chủ nghĩa Xã hội”. Ngay sau đó, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có đơn xin rút lui, và tuyên bố về quê làm “người tử tế”.
Đó là lý do tại sao, chuyến thăm Trung Quốc của đương kim Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này, nhiều ý kiến cho rằng, ông Huệ đang thực hiện sứ mệnh “cõng rắn cắn gà nhà”, theo lệnh của Tổng Trọng. Huệ Vương đang đi theo vết xe đổ của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Quyết định cuối cùng của Bắc Kinh và phản ứng của Tô Lâm sẽ ra sao, chúng ta hãy chờ xem!
Trà My – Thoibao.de