“Lò” đốt củi tham nhũng là thương hiệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 8 năm qua, ai cũng biết điều đó. Và củi được đưa vào lò trong khoảng 7 năm qua, là do ông Tổng lựa chọn, rồi cho Tô Lâm quẳng vào lò. Ngần ấy năm, người dân mặc định, hễ “lò” cháy là do bàn tay của ông Tổng Bí thư nhóm lên. Tuy nhiên, từ khoảng đầu năm 2024 đến nay, công cuộc “đốt lò” đã có những dấu hiệu bất thường trông thấy. Từ đó, dân mới cho rằng, “lò” đã đổi chủ. Và câu hỏi đặt ra là, “lò” có đổi chủ thật hay không?
Hai nhân vật chính trong việc “đốt lò” suốt 8 năm qua, là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Lâm, không hề lên tiếng về vai trò “chủ lò”. Tuy nhiên, sự bất thường trong việc “đốt lò” đã thể hiện rất rõ trong thời gian gần đây, khi không còn theo quy trình mà Tổng Bí thư đưa ra.
Đối với quan chức cấp uỷ viên Trung ương Đảng, thuộc diện Bộ Chính trị quản lý; hoặc cấp phó bí thư tỉnh thuộc diện Ban Bí thư quản lý; ông Tô Lâm đều cho bắt như “bắt gà”, không cần thông qua quy trình kỷ luật về mặt Đảng. Quy trình kỷ luật cán bộ đảng viên là do Tổng Trọng ban ra, nay Tô Lâm đã dẫm đạp lên, nghĩa là, ông không còn coi ông Trọng ra gì.
Việc loại ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ trong thời gian rất ngắn, cũng là điều bất thường. Người dân đặt câu hỏi, ông Thưởng và ông Huệ ngã ngựa, thì ai là người có lợi trong cuộc đua tranh vào vị Tổng Bí thư? Từ đó, nổi lên vai trò của Bộ trưởng Tô Lâm.
Chiều 4/5, tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, khi thông báo về vụ án Tập đoàn Thuận An, ông Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an, đã nói rằng:
“Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về một số vụ án do Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo, Tổng Bí thư đã có lời khen ngợi với lực lượng công an đã quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; yêu cầu Bộ Công an tiếp tục, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.”
Câu nói này có vẻ như muốn “khoe thành tích” của người đại diện Bộ Công an. Tuy nhiên, ẩn trong lời khoe khoang ấy là sự thanh minh, khẳng định rằng, những trận đánh vừa qua không phải do Bộ Công an tự ý làm, mà có báo cáo với Tổng Bí thư. Nghĩa là, ông Tô Lâm hàm ý rằng, “việc đánh Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ là do ông Tổng chứ không phải tôi”.
Theo nhiều nguồn tin nội bộ cung cấp, hiện nay, ông Trọng thường xuyên nằm ở Bệnh viện Quân Y 108. Tình hình sức khỏe của ông không tốt, không tiện để tham gia các cuộc họp của Trung ương Đảng. Một người đang vật lộn với bệnh tật, liệu có còn đủ minh mẫn để chỉ đạo những trận đánh lớn hay không? Đấy cũng là một câu hỏi to tướng.
Thời Tam Quốc, Thừa tướng Tào Tháo, dù vẫn xưng thần với vua Hán Hiến Đế, nhưng thực chất, mọi chiếu chỉ của triều đình đều do ông soạn, chỉ có con dấu là của nhà vua. Cả triều đình điều biết, tất cả các mệnh lệnh đều là của “Tào tặc”, nhưng trên danh nghĩa là của vua ban, nên không ai dám trái lệnh. Bởi nếu trái lệnh, sẽ bị quy vào tội “khi quân”, và cho xử trảm.
Ông Trọng đã có thực quyền trong thời gian dài, chứ không phải là “vua bù nhìn”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông phải chống chọi với bệnh tật, và đã không còn đủ sức khoẻ và sức mạnh để nắm giữ quyền lực. Điều phi lý là, bệnh càng nặng, lò của ông càng đốt mạnh, mà không còn đốt theo quy trình do chính ông ban ra.
Phải chăng, ông Tô Lâm đang lợi dụng uy quyền của ông Tổng để “đốt lò” phục vụ chính ông?
Hãy đợi mà xem.
Hoàng Phúc – Thoibao.de