Không thể để ghế trống kéo dài, Hội nghị Trung ương 9 sẽ bầu bổ sung

Ngày 11/5, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận “Triệu tập Hội nghị Trung ương 9 khóa 13” của tác giả Lê Văn Đoành.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 dự kiến sẽ khai mạc vào sáng 16/5 và bế mạc vào ngày 18/5.

Có lẽ, không thể để kéo dài tình trạng quốc gia không có Chủ tịch nước và cơ quan lập pháp không có Chủ tịch Quốc hội, cũng như, cần bổ sung thêm các ủy viên Bộ Chính trị, nên những người đứng đầu Đảng triệu tập Hội nghị này.

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ giới thiệu nhân sự để bầu người giữ chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, nhiệm kỳ 2021 – 2026, thay thế các ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ đã bị truất phế vừa qua.

Hiện bà Võ Thị Ánh Xuân – Ủy viên Trung ương, đang đảm nhiệm Quyền Chủ tịch nước; còn ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, được phân công điều hành cơ quan này.Theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 2/1/2020, chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Như vậy, hiện tại chỉ có các nhân vật sau đây là đủ yêu cầu: Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Tô Lâm. Tuy nhiên, quy định này còn có câu thòng, “trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.

Thông tin nội bộ mà chúng tôi có được, sau khi Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ lần lượt bị mất chức, đã có một số ý kiến trong nội bộ Đảng đề nghị bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nên ngồi vào cái ghế Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội.

Nhưng thật bất ngờ, bà Mai đã từ chối. Có thể, bà đã quá mệt mỏi với các cuộc đánh đấm, tranh giành quyền lực trong Đảng, hoặc bà không muốn bị “cưa ghế” như các vị kia.

Bà Mai được lòng các phe, vì dù nắm những chức vụ quyền lực, nhưng có vẻ như bà không quá tham vọng quyền lực.

Nếu ông Tô Lâm muốn có suất “nhân sự đặc biệt”, để có mặt trong Đại hội Đảng khoá 14, chắc chắn, ông phải giành cho bằng được ghế Chủ tịch nước lần này. Khả năng rất cao là, ông Tô Lâm sẽ được giới thiệu vào ghế Chủ tịch nước, và bà Trương Thị Mai sẽ ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội.

Một số nhận định trong cung đình cho rằng, mặc dù có nhiều tham vọng, nhưng ông Tô Lâm không dễ để trở thành Tổng Bí thư, bởi kết quả các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng đã cho thấy, ông không đủ tín nhiệm để trở thành “đầu Đảng”.

Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng sẽ bầu bổ sung các ủy viên Bộ Chính trị. Danh sách các ứng viên tiềm năng sẽ được giới thiệu để bầu bổ sung, dự kiến gồm:

  • Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1962, quê Tiền Giang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khoá 13.
  • Lê Minh Khái, sinh năm 1962, quê Bạc Liêu, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021 – 2026.
  • Trần Hồng Hà, sinh năm 1963, quê Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021 – 2026.
  • Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương khoá 13.

Theo thông báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, dự kiến sẽ khai mạc ngày 20/5 và bế mạc ngày 28/6.

Trong thời gian này, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Tòa nhà Quốc hội. Kỳ họp chia thành hai đợt.

Với các diễn biến dồn dập xảy ra trong 2 tháng qua, nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam và quốc tế cùng đưa ra nhận định: Công cuộc xây dựng Đảng của “tiến sĩ xây dựng Đảng” Nguyễn Phú Trọng đã thất bại hoàn toàn!

Xây dựng Đảng không xong, thì Đảng đâu để ông Trọng xây dựng Chủ nghĩa Xã hội? Có lẽ, ông Trọng đã nhìn thấy điều đó hơn 10 năm trước, nên năm 2013 ông đã từng thừa nhận rằng: “Đến hết thế kỷ này, không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa“!

 

Xuân Hưng – thoibao.de