Cuộc chiến cung đình: Tô Đại và Bộ Công an sẽ thắng hay bại?

Sự tùy tiện trong việc tuân thủ pháp luật, cũng như Điều lệ Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tạo nên một hình ảnh rất xấu, về một Đảng chính trị duy nhất, hợp pháp, đang cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.

Tổng Trọng tự cho cá nhân mình là “trường hợp đặc biệt”, để bám ghế Tổng Bí thư. Trong khi, Điều lệ Đảng đã quy định rất rõ về độ tuổi, tiêu chuẩn sức khỏe của người đứng đầu… Ngoài ra, năm 2013, ông Trọng còn tùy tiện, khi đưa ra chủ trương: xây dựng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, và tiêu cực Trung ương. Đây là một quyết định trái pháp luật.

Đó là lý do vì sao, mới đây, trên mạng xã hội lan truyền ý kiến “phản kháng” của cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 18/4, đối với việc xem xét kỷ luật ông. Theo đó, ông Vương Đình Huệ phát biểu:

“Chính các đồng chí đang ngồi trên pháp luật, khi đất nước có Hiến pháp, có các bộ luật, nhưng ngày 1/2/2013 lại thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, các đồng chí không lấy Hiến pháp làm kim chỉ nam, mà thực hiện theo cảm tính yêu, ghét, biến cơ quan tố tụng thành nơi mua bán công lý.

Để rồi bắt bớ, kết án tuỳ tiện, không dựa vào chứng cứ khoa học, mà theo lời khai đã được sắp xếp có kịch bản, nhằm làm làm hại người vô tội. Tôi hỏi các đồng chí, có đất nước nào trên thế giới theo Chủ nghĩa Xã Hội, mà áp dụng luật rừng như chúng ta nữa hay không? Chúng ta đang tạo ra một nhà tù dự bị, cho chính chúng ta và con cháu chúng ta?”

Mới nhất, Facebooker Trương Huy San – một nhân vật nổi tiếng lâu nay vốn vẫn ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng, cuối cùng, cũng phải cay đắng chỉ ra sai lầm của ông Trọng.

Theo đó, trong bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” Osin Huy Đức – tức Trương Huy Sang, đã viết:

“Ngay cả những Tổng Bí thư bị coi là bảo thủ nhất, như Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ Đảng trực trị sang một chế độ Đảng cầm quyền, thông qua Nhà nước. Việc tái lập các ban Đảng, thời ông Nguyễn Phú Trọng, là một bước lùi về chính trị…, nếu những người am hiểu nhà nước pháp quyền, biết cách ông Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh ngồi sau cánh gà các phiên tòa, “lãnh đạo án” như thế nào, chắc chắn, họ sẽ vô cùng thất vọng.”

Song rất tiếc, đa số người dân ở Việt Nam hiện nay, không biết được sự thật đó. Vẫn tồn tại một số đông ca ngợi, thậm chí là tôn vinh ông Trọng, coi ông là người hùng chống tham nhũng.

Tương tự như với cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, lấy lý do Tổng Trọng quá tham quyền cố vị, cương quyết không chịu “nhả” chiếc ghế mà ông đang ngồi. Nếu ông Trọng còn làm Tổng Bí thư, thì trong danh sách nhân sự kế nhiệm, sẽ không có tên ông Tô Lâm.

Những tính toán thiếu chín chắn, và cơ sở pháp lý như trên, đã khiến cho Đại tướng – cựu Bộ trưởng Công an thất bại “toàn tập”, thậm chí là trắng tay.

Tổng Trọng hầu như không phải động chân, động tay, chỉ bằng mấy nước cờ đã xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục. Quyết định đưa Đại tướng Quân đội Lương Cường ngồi vào ghế Thường trực Ban Bí thư, ngay lập tức đã khiến Tô Lâm và lãnh đạo Bộ Công an phải thay đổi thái độ. Thay vì tự ý làm loạn, lạm dụng quyền lực kiểu “tiền trảm hậu tấu” trước đó, nay đã trở nên ngoan ngoãn, vâng lời các “cơ quan có thẩm quyền”.

Hơn thế nữa, sự thất bại của ông Tô Lâm càng chứng tỏ cho thấy, sự quyền biến cũng như xử lý tình huống của ông Trọng, là quá cao tay. Ông Trọng đã đẩy Tô Lâm và phe cánh trở thành lực lượng đối đầu với Quân đội – vốn dĩ là lực lượng nhận được sự tin tưởng, và ủng hộ của số đông dân chúng. Điều này khiến Quân đội khác hẳn so với Công an – lực lượng “còn Đảng còn mình”, thực chất là một lũ “kiêu binh” đang trên đà mất kiểm soát.

Đó là chưa kể tới việc, Bộ Quốc phòng sẽ ra tay khi cần thiết. Không những thế, sai lầm của ông Tô Lâm bỗng chốc đã phong thánh cho Tổng Trọng. Đưa ông Trọng từ một kẻ “tham nhũng quyền lực, bám quyền cố vị”,  trở thành người anh hùng cứu Đảng.

Rõ ràng, ông Tô Lâm đã bị ông Trọng và phe cánh “gài bẫy”, để trở thành một kẻ vì tham vọng quyền lực, kẻ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để thanh trừng các “đồng chí” – vốn là những ứng viên tiềm năng.

Quan trọng hơn nữa, vô tình, ông Tô Lâm đã giúp Tổng Trọng ung dung bước vào nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ 4?

Trong cuộc chiến cung đình của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thắng lợi hay thất bại của Tô Đại và Bộ Công an vẫn còn là một câu hỏi./.

 

Trà My – Thoibao.de