Vì sao Quốc hội “dỡ bỏ” đề nghị của Nguyễn Hòa Bình về việc hạn chế phóng viên tác nghiệp tại tòa?

Giới quan sát cho rằng, ở Việt Nam, việc đưa tin, hình ảnh, tại các phiên tòa mang tính nhạy cảm chính trị, thường bị hạn chế. Thậm chí các phiên toà này còn sử dụng biện pháp không cho phép ghi âm, ghi hình. Đây là một bước lùi của ngành tư pháp nói chung và ngành Tòa án nói riêng.

Báo Người Lao Động, ngày 24/6 đưa tin với tiêu đề, “Không đổi tên tòa án tỉnh huyện, cho ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa”. Bản tin cho biết, sáng 24/6, với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (Sửa đổi).

Theo đó, sau khi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Tòa án Nhân dân Tối cao và Thường trực Ủy ban Tư pháp, đã thống nhất sẽ tiếp tục giữ nguyên quy định về tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện như Luật hiện hành.

Đáng chú ý, Quốc hội đã đồng ý cho phép, ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, với điều kiện được sự đồng ý của chủ tọa và những người liên quan”.

Đây là một vấn đề đã gây tranh cãi trong thời gian qua, theo yêu cầu xuất phát từ Tòa án Nhân dân Tối cao, từ năm 2022, trong việc đề nghị Quốc hội xem xét về pháp lệnh mới, siết chặt việc ghi âm, ghi hình, đưa tin, từ các phiên xét xử ở tòa án.

Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, khi trình bày tờ trình dự án này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào tháng 8/2022, đã nói rằng, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Theo đó, việc các nhà báo ghi âm, ghi hình, hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng Xét xử, mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Việc cản trở tác nghiệp của phóng viên sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tác nghiệp của báo chí, và khó đảm bảo sự chính xác của thông tin, được truyền tải từ các tòa soạn báo. Trước đó, Tòa án Nhân dân Tối cao từng đề xuất, hạn chế cả việc ghi âm và ghi hình tại phiên tòa, chỉ được thực hiện trong phần khai mạc và tuyên án.

Như vậy, quy định chính thức tại Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2024, về việc cho phép ghi âm, ghi hình tại phiên toà, được đánh giá là “mở” hơn so với trước đây. Ngoài ra, theo quy định mới “không hạn chế thời gian ghi âm”.

Được biết, trong thời gian gần đây, cả Bộ Thông tin Truyền thông, cũng như Hội Nhà báo Việt Nam, đã nhiều lần có văn bản đề nghị, cần phải cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến các phiên tòa công khai. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị, quy định theo hướng tạo điều kiện cho báo chí đưa tin chính xác về vụ án, chứ không nên hạn chế những điều không cần thiết.

Theo giới chuyên gia, việc phát trực tiếp hay tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp tại toà, có thể giúp làm minh bạch hơn đối với ngành tư pháp. Nhưng bên cạnh đó, cũng có lo ngại rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư hay phán quyết của toà án. Đây là vấn đề quan trọng, và sẽ được chủ tọa phiên tòa quyết định cụ thể riêng, nếu cần.

Công luận thấy rằng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng như các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, cần phải thay đổi tư duy “ban phát”, mà cần phải ý thức rằng, người dân cũng như các phóng viên được phép làm những gì pháp luật không cấm.

Đồng thời, chính quyền cần phải từ bỏ tư duy “quyền lực độc tôn”, và Đảng “luôn luôn đúng”.

Việc hạn chế ghi âm, ghi hình tại toà, là bằng chứng cho thấy, ý thức không chịu “thua dân” của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, một lần nữa lại thất bại trước lẽ phải.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suy giảm bởi nhiều lý do khác nhau, cho nên, thời gian gần đây, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình có vai trò khá mờ nhạt trên chính trường.

 

Trà My – Thoibao.de