Phải chăng Tổng “nằm lì” cản đường Tô, để liên minh Nghệ – Tĩnh chiếm cứ điểm?

Có thể nói, Tổng Bí thư hiện giờ như một cái “xác không hồn”. Sức sống tự nhiên trên cái xác 80 năm ấy, gần như đã cạn. Dù các bác sĩ Trung Quốc cố kéo dài tuổi thọ cho ông, bằng các loại thuốc quý, thì ông cũng chẳng thể hưởng thụ được gì ở vị trí quyền lực tột đỉnh.

Hiện nay, bao nhiêu thế lực lăm le, muốn chiếm lấy chiếc ghế quyền lực mà ông đang ngồi. Điều đáng nói là, phe mạnh nhất có thể soán được ngôi của ông, lại không phải là phe Nghệ Tĩnh – phe mà ông đã bỏ ra nhiều năm để nâng đỡ.

Có một điều rất rõ là, thế và lực của ông Tổng trên chính trường đã suy giảm nhiều. Tại Hội nghị Trung ương 9, ông đã vá lại lỗ hổng và gia cố thêm cho Ban Bí thư. Nhưng xét về thực lực, thì Ban Bí thư lúc này đã không còn mạnh bằng thời điểm từ năm 2023 trở về trước.

Tuy Ban Bí thư đã yếu đi, nhưng sức mạnh của ông Tổng vẫn không dễ lay chuyển. Bởi ông Trọng có cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm trong Đảng. Sức mạnh cứng là ông vẫn có trong tay Ban Bí thư, với 8 uỷ viên Bộ Chính trị, vẫn nắm trong tay Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống tham nhũng. Những ban này, nếu ra tay, thì cả khối quan chức phải sợ.

Còn về sức mạnh mềm, ông Trọng có uy tín trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, lớn hơn nhiều so với Tô Lâm. Đối với ông Trọng, nhiều quan chức thật sự mến ông, còn với Tô Lâm, thì ai cũng căm ghét. Do đó, Tô Lâm vẫn không dám làm càn đối với Tổng Trọng, vì ông sẽ không thể lường trước được phản ứng của những người xung quanh ông.

Cho đến giờ này, 3 “đại đệ tử” của ông Nguyễn Phú Trọng, là Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, đều đã rụng, nhưng vẫn còn đó nhóm Nghệ Tĩnh.

Trước khi Vương Đình Huệ bị đánh rụng, nhóm Nghệ Tĩnh có tổng cộng 4 uỷ viên Bộ Chính trị. Nhưng sau khi ông Huệ rụng, ông Trọng lại bổ sung thêm một người Hà Tĩnh vào Bộ Chính trị, cho nên, tổng số uỷ viên Bộ Chính trị của nhóm Nghệ Tĩnh vẫn là 4. Điều đáng nói là, cả 4 người này đều đang ẩn nấp trong Ban Bí thư của ông Trọng.

Có lẽ, Tô Lâm đã nhận ra ý đồ của Tổng Trọng, là che chắn để nhóm Nghệ Tĩnh hồi sinh. Cho nên, ưu tiên hàng đầu của Tô Lâm hiện nay, là đánh tiếp vào nhóm này. Người đang bị Tô Lâm nhắm đến, là Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Trạc đã thể hiện quá sớm âm mưu cắt đứt sợi dây điều khiển của nhóm Hưng Yên với Bộ Công an, nên ông Trạc đang phải đối mặt với những đòn thù nguy hiểm nhất hiện nay – Tô Lâm.

Phan Đình Trạc cũng rất khôn, khi Tô Lâm mới đánh Võ Văn Thưởng, ông nhảy ra tranh ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Khi không thành, ông lại nhảy về Ban Bí thư ẩn nấp, cho an toàn. Giờ đây, người thay mặt ông Trọng trấn giữ Ban Bí thư, là một Đại tướng Quân đội. Vì vậy, thành viên Ban Bí thư có thể được che chở tốt hơn, so với thời bà Trương Thị Mai.

Ông Trọng còn sống ngày nào, là ông không nhả ghế Tổng Bí thư ngày đó. Mà còn Nguyễn Phú Trọng trên ghế Tổng Bí thư, thì Phan Đình Trạc còn nơi ẩn nấp.

Còn 18 tháng nữa là đến Đại hội 14, nếu ông Trọng đủ sức để kéo dài sự sống đến hết thời gian này, nhằm cản đường Tô Lâm, thì có lẽ, cũng đủ thời gian giúp nhóm Nghệ Tĩnh hồi phục, để phản công trở lại đối với phe Hưng Yên của Tô Lâm.

Không biết, liệu Tô Lâm có tính bài toán nào để dẹp bỏ “kẻ cản đường vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng hay không? Nếu không dẹp được Nguyễn Phú Trọng sớm, thì về sau, Tô Lâm càng bất lợi trong việc đoạt ngôi Tổng Bí thư, khi mà nhóm Nghệ Tĩnh hồi phục được hoàn toàn sức lực.

 

Thái Hà – Thoibao.de