Quyết định mới về kỷ luật đảng viên cao cấp

Ngày 16/6, BBC Tiếng Việt cho hay “Bộ Chính trị ra quyết định mới về kỷ luật đảng viên cấp cao, cho thấy điều gì?”

Theo đó, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký Quyết định 165 của Bộ Chính trị, ban hành quy trình 3 bước, xem xét, thi hành kỷ luật với tổ chức Đảng, đảng viên, thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2024, thay thế cho Quyết định 195/2008 của Bộ Chính trị.

BBC cho biết, tính đến nay, Trung ương Đảng khóa 13 đã có 21 người thôi nhiệm vụ (không kể người những người thôi nhiệm do các nguyên nhân tự nhiên như chết, sức khỏe…). Trong đó, 11 người bị khởi tố hoặc kỷ luật, 10 người “xin thôi” vì đã vi phạm những điều đảng viên không được làm. Trong số người “xin thôi”, có tới 6 người thuộc Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư – những nhân vật thuộc nhóm quyền lực nhất.

BBC cũng cho biết, quy trình 3 bước gồm: bước chuẩn bị, bước tiến hành kỷ luật, bước kết thúc.

Bước 1 – chuẩn bị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồ sơ vụ việc, gồm: tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm và tài liệu có liên quan.

Đại diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghe đại diện tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm trình bày ý kiến.

Bước 2 – kỷ luật, có hai hội nghị.

Thứ nhất là hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xem xét, quyết định kỷ luật, với thành phần tham dự gồm Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng.

Sau khi nghe các bên trình bày, hội nghị sẽ thảo luận, biểu quyết, quyết định hình thức kỷ luật, hoặc biểu quyết đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật.

Thứ 2 là hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng để xem xét, quyết định kỷ luật, bằng phiếu kín.

Bước cuối cùng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định thi hành kỷ luật, hoặc thông báo không kỷ luật.

BBC nhận xét, Quyết định mới của Bộ Chính trị không nêu rõ về việc, đối với những đảng viên vi phạm tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị xử lý về mặt Đảng trước (tức khai trừ khỏi Đảng) hay về hình sự trước (tức bị khởi tố, bắt giam).

Bởi lẽ, theo BBC, một điều đáng chú ý trong cách xử lý đảng viên, liên quan đến các án lớn gần đây, như vụ Phúc Sơn, Thuận An, Đại Ninh, cho thấy, có một sự dịch chuyển lớn: các đảng viên là ủy viên Trung ương Đảng bị bắt, khởi tố trước rồi mới bị khai trừ khỏi Đảng.

Trong khi đó, vẫn theo BBC, những vụ việc trước đây có liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì sẽ kỷ luật Đảng cán bộ đó trước, sau đó mới đến quy trình tố tụng hình sự.

Quyết định mới của Bộ Chính trị về quy trình 3 bước, xem xét, kỷ luật các cán bộ thuộc diện thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, không nêu sự liên quan công việc của bên ngoài tổ chức Đảng – tức là Bộ Công an.

Điều này nghĩa là, không định rõ việc Bộ Công an hay Đảng xử lý trước. Thế nhưng, thực tế hiện nay, trong nhiều vụ, công an xử lý hình sự trước, rồi sau đó Đảng mới ra quyết định khai trừ.

BBC dẫn lời một nhà quan sát, nói:

Có sự thay đổi này là vì thủ tục bên Đảng thường chậm, không đáp ứng được bản chất của tố tụng khẩn cấp. Ví dụ, phạm pháp quả tang, thì luật tố tụng quy định phải bắt khẩn cấp; nếu làm thủ tục Đảng, thì có khi, người phạm tội bỏ chạy hoặc thế nào nữa, thì không được.”

Đồng thời, người này nhấn mạnh, điều này còn cho thấy, Bộ Công an “thực sự có quyền lực rõ ràng hơn, mạnh hơn”.

“Công an có quyền tố tụng và bắt giam, còn Uỷ ban Kiểm tra không có quyền đó.”

 

Thu Phương – thoibao.de