Project 88 tố Chính phủ Việt Nam che dấu thông tin về nạn buôn người

Ngày 20/6, RFA Tiếng Việt loan tin “Chính phủ Việt Nam bị tố cáo giấu thông tin về nạn buôn người để che đậy cho quan chức”.

RFA dẫn tin từ tổ chức Project 88, ngày 20/6 cho biết, tổ chức này đã có được các tài liệu chính thức bằng tiếng Việt, cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã che giấu thông tin về nạn buôn người, và đưa thông tin sai lệch cho Mỹ, vào khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cập nhật Báo cáo về buôn người thường niên.

Theo RFA, một hãng tin quốc tế cho biết, hãng tin này đã xem các tài liệu, nhưng chưa thể xác nhận một cách độc lập tính xác thực của chúng.

Đại sứ quán Việt Nam tại Washington hiện chưa đưa ra bình luận gì, trước câu hỏi của hãng tin trên về vấn đề này. Chính phủ Hà Nội trước đó luôn khẳng định, xem xét nạn buôn người một cách nghiêm túc, và trừng phạt những kẻ buôn người.

RFA dẫn báo cáo về nạn buôn người năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu trong công cuộc bài trừ nạn buôn người, dù Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể.

RFA cho biết, trong báo cáo năm 2022, Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào nhóm thấp nhất, tức hạng ba. Các nước trong nhóm này bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau: “buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ; lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết; nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ; hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em”.

RFA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, phản ứng trước báo cáo của Mỹ về nạn buôn người, khẳng định, Việt Nam đã thực hiện chương trình 5 năm, kiểm soát và ngăn ngừa nạn buôn người, kể từ năm 2021 và các số liệu cho thấy những tiến bộ.

RFA cũng cho biết, giới chức Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho báo cáo mới vào năm nay, dự kiến sẽ công bố trong tháng này. Trong báo cáo mới, Hoa Kỳ cần phải quyết định, liệu Việt Nam có tiếp tục có những nỗ lực đáng kể hay không.

Hiện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mới do Project 88 đưa ra.

Vẫn theo RFA, hồi tháng 4 vừa qua, Giám đốc Project 88 – ông Ben Swanson, đã viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, và khẳng định, Việt Nam đã chính trị hoá và phá hoại quá trình báo cáo.

RFA dẫn Project 88 cho biết, tổ chức này đã có được tài liệu nội bộ của Bộ Công an viết hồi tháng 2 vừa qua, đưa ra những khuyến nghị cho các quan chức, về việc tạo ra những phúc đáp đối với các câu hỏi của phía Mỹ.

Project 88 kêu gọi Chính phủ Mỹ phải có hành động trong báo cáo mới.

Cụ thể, RFA cho hay, theo một văn bản ký bởi Thiếu tướng Công an Đặng Hồng Đức, mà Project 88 có được, trong đó đề nghị được đưa ra là, Việt Nam nên “kiên trì theo đuổi việc cùng hợp tác và đấu tranh…. ngăn chặn phía Mỹ lợi dụng và sử dụng vấn đề này làm công cụ chính trị, để định hình hệ thống pháp lý của quốc gia, trong khi can thiệp vào việc nội bộ của chúng ta”.

Cũng theo văn bản này, việc xem xét các phản hồi của Việt Nam với phía Mỹ quá chi tiết, cụ thể, và đề nghị các câu trả lời mới.

RFA cho biết thêm, một câu trả lời có liên quan đến trường hợp một công nhân Việt Nam bị đưa sang Ả Rập Xê Út, khi còn ở độ tuổi vị thành niên, và trường hợp này có sự liên quan của các quan chức Chính phủ Việt Nam. Công nhân này sau đó đã chết vì bị người chủ ngược đãi. Trường hợp này đã được đưa cho phía Mỹ, và Chính phủ Mỹ đã đánh tụt hạng Việt Nam trong báo cáo năm 2022.

Văn bản từ Bộ Công an đề nghị, không cập nhật thêm thông tin mới về việc xử lý trường hợp này, để tránh rắc rối.

 

Ý Nhi – thoibao.de