Cảnh báo sự nguy hiểm của Bộ Công an khi Tô Đại trở lại với quyền lực mạnh hơn?

Trong thời gian 8 năm là người đứng đầu Bộ Công an, với sự dung túng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Công an và ông Tô Lâm đã trở thành tổ chức và cá nhân có quyền lực lớn nhất trong bộ máy Đảng và nhà nước.

Mọi yêu cầu của Bộ Công an đưa ra, đều được bộ máy Đảng, nhà nước đáp ứng vô điều kiện. Ông Tô Lâm nổi tiếng trong việc lạm quyền và bành trướng quyền lực cho cá nhân, cũng như toàn ngành Công an.

Mới nhất, truyền thông nhà nước đưa tin, 11/6, tại phiên họp thứ 34, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đã cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Công an, cho phép:

“Lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.”

Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến phản đối và chỉ trích mạnh mẽ, khi cho rằng, đề xuất này đã được Chính phủ trình Quốc hội hồi đầu tháng 3/2024, nhưng đã bị Quốc hội bác bỏ. Sau đó, ngày 22/5, sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước, thì Chính phủ tái đề xuất đưa nội dung này trở lại Dự thảo, để trình Quốc hội thông qua.

Nhiều ý kiến khẳng định, đề xuất này của Bộ Công an cho thấy, Bộ này có thể sẽ áp đặt chỉ tiêu tiền phạt đối với lực lượng cảnh sát giao thông. Từ đó, sẽ dẫn tới tình trạng các công an viên sẽ phải tăng cường xử phạt, để đạt đủ mức khoán. Khi đó, dù là lỗi nhỏ nhất hoặc không có lỗi, thì cũng bị lực lượng này tìm mọi lý do để phạt người sử dụng phương tiện giao thông. Như vậy, sẽ tạo thêm áp lực, gánh nặng cho số đông người dân.

Tới đây, khi dự luật này được đưa vào áp dụng, thì chắc chắn, những người sử dụng phương tiện giao thông sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, do lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nhũng nhiễu nhiều hơn.

Hơn nữa, công luận thấy rằng, chỉ sau hơn 3 tháng, Quốc hội vừa mới bác bỏ, rồi lại đồng ý với đề xuất này, đã chứng tỏ cho thấy, việc Chủ tịch nước Tô Lâm nắm quyền lực bao trùm trong Đảng, và thúc đẩy mở rộng quyền lực của Bộ Công an.

Đây cũng là kết quả của cuộc đấu quyền lực mà ông Tô Lâm và Bộ Công an mang lại. Nhưng về lâu dài, nó sẽ tạo ra sự mất đoàn kết trầm trọng hơn trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, và sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Ngoài ra, việc cho phép riêng lực lượng cảnh sát giao thông có được đặc quyền như vậy, thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong nội bộ của Bộ Công an, cũng như giữa các bộ, ngành khác, trong Chính phủ.

Tuy nhiên, đây là hệ quả của việc, trước đây, vào năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý để các cơ quan thanh tra được phép trích một phần, từ các khoản tiền thu hồi, phát hiện qua thanh tra, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Với mức trích tối đa là 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước, cho cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Công luận thấy rằng, các chủ trương tùy tiện mang tính cục bộ như vừa kể, sẽ tạo ra những tiền lệ xấu trong việc lũng đoạn chính sách, và hưởng lợi bất chính từ người dân.

Theo giới chuyên gia, điều đó thể hiện chính sách bất hợp lý của chính quyền Việt Nam, đã có sự ưu tiên quá mức đối với ngành Công an, nhưng quá coi nhẹ các ngành Giáo dục, cũng như Y tế. Ví dụ, sự chênh lệch trong chi ngân sách cho Bộ Công an, là một minh chứng rõ ràng nhất. Cụ thể, chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho Bộ Công an là 113.271 tỷ đồng. Trong khi chi cho Bộ Giáo dục chỉ là 7.711 tỷ đồng; và chi cho Bộ Y tế chỉ 7.010 tỷ đồng.

Công luận đánh giá rằng, Việt Nam là một nhà nước công an trị, vốn dĩ đã lộng quyền, nên những lãnh đạo của Bộ Công an lộng quyền và đứng trên luật pháp, cũng là điều dễ hiểu./.

 

Trà My – Thoibao.de