Tô quyết kết thúc sớm nhiệm kỳ 3 của ông Tổng, liệu tham vọng có thành?

Lên Chủ tịch nước xem như nắm chắc trong tay “suất đặc biệt”, để khỏi bị ép nghỉ hưu vì quá tuổi. Nắm trong tay Bộ Công an, xem như có “thượng phương bảo kiếm” để tự vệ và trấn áp đối thủ. Xem như, mọi điều kiện đã tụ về tay Chủ tịch nước, giờ đây, ông chỉ cần đợi đến khi Tổng Bí thư về với Karl Marx Lenin, hoặc lâu nhất là chờ đến Đại hội 14.

Thời gian dự kiến diễn ra Đại hội 14 là đầu năm 2026, không thể diễn ra sớm hơn. Từ nay đến đó còn 18 tháng, quá dài để chờ đợi, trong khi, chính trường biến động theo từng ngày. Thời gian là kẻ thù tất cả; kẻ thù đối với sức khỏe của Tổng Trọng; kẻ thù với cơ hội của Tô Lâm… Nếu ngồi im trên ghế Chủ tịch, chỉ để chờ đợi, có khi, cơ hội lại vuột mất.

Hiện nay, Tổng Bí thư đang là Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 và Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14. Tiểu ban Nhân sự chính là bộ lọc, chọn người vào Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị. Nếu ông Tổng kết thúc sớm nhiệm kỳ 3, và Tô Lâm trám ghế Tổng Bí thư, thì ông sẽ là người thay thế ông Tổng ở vị trí Trưởng tiểu ban Nhân sự. Lúc đó, Tô Lâm sẽ mở cửa cho nhóm Hưng Yên ồ ạt tiến vào thượng tầng chính trị, đồng thời chặn nhân sự của các nhóm khác.

Tuy nhiên, làm sao để kết thúc sớm nhiệm kỳ 3 của ông Tổng, là bài toán khó đối với Tô Lâm.

Gần đây, Tô Lâm đang giật dây, cho xới lại vụ sai phạm trong dự án Ciputra, khi ông Trọng còn làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ý đồ của Tô Chủ tịch khá rõ, đấy là, ông muốn Tổng Trọng rút lui sớm, như những người khác đã từng bị đánh trước đây. Có vẻ như, Tô Chủ tịch không đủ kiên nhẫn, để đợi ông Tổng chết vì bệnh, mà muốn ông Tổng phải rút lui khỏi chính trường sớm hơn.

Tuy nhiên, việc bứng ông Trọng lại không hề đơn giản như bứng Võ Văn Thưởng hay Vương Đình Huệ. Bởi ông Trọng vốn là cây đại thụ, với những rễ cái vừa to vừa khỏe, đâm thật sâu, lan thật rộng, và bám thật chắc.

Vây quanh ông Tổng là hàng loạt Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng. Chỉ tính riêng trong Ban Bí thư, đã có đến 8 uỷ viên Bộ Chính trị, đấy là chưa kể những người ngoài Ban Bí thư, như ông Nguyễn Văn Nên, cũng là người của ông Tổng.

Vì vậy, để bứng được Tổng Bí thư, Tô Lâm cũng lên kế hoạch rất bài bản. Đấy là vừa cưa rễ, vừa bứng gốc. Hiện Tô Lâm đang nhắm vào Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú – là 2 rễ lớn của cây cổ thụ Nguyễn Phú Trọng. Việc đánh vào uy tín và trách nhiệm người đứng đầu, kết hợp với việc đánh vào hạ thuộc hạ của ông Tổng, liệu đây có phải là liều thuốc đủ mạnh, để Tô Chủ tịch cho ông Tổng kết thúc sớm nhiệm kỳ 3 hay không, thì còn phải chờ xem những diễn biến sắp tới.

Với những sự kiện liên tục diễn ra trên chính trường, cho thấy, tham vọng của Tô Lâm quá lớn. Điều đáng nói là, sau mỗi lần thành công, tham vọng của Tô Lâm càng lớn hơn, và chưa biết đâu là điểm dừng. Ban đâu, nhiều người đánh giá, Tô Lâm đánh gục Võ Văn Thưởng chỉ để được hưởng “suất đặc biệt”, kéo dài sự nghiệp chính trị của mình.

Tuy nhiên, khi Tô Lâm đã thành công trong việc nắm chức Chủ tịch nước và giữ được Bộ Công an trong tay, thì có vẻ như, ông đang muốn kết liễu sự nghiệp chính trị của ông Tổng, để ông sớm thay thế, mà không cần đợi đến Đại hội 14 để hưởng “suất đặc biệt”.

Tham vọng lớn thì ắt gặp chống đối lớn. Lần này, cả ông Tổng và phần còn lại trong Bộ Chính trị sẽ chiến đấu chống lại Tô Lâm. Họ phải bảo vệ quyền tiền mà họ đang có, đồng thời cũng bảo vệ cho con cháu họ – những người đang được cơ cấu để hưởng nguồn lợi bất tận từ 100 triệu dân đen.

Xem ra, ý đồ kết thúc sớm nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tổng không hề dễ dàng đối với Tô Lâm.

 

Trần Chương – Thoibao.de