Bộ Công an đề nghị Trung Quốc và Anh tương trợ pháp lý, trong điều tra giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát

Ngày 15/7, RFA Tiếng Việt loan tin “Bộ Công an đề nghị Trung Quốc và Anh tương trợ pháp lý vụ bà Trương Mỹ Lan”.

RFA cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hôm 15/7, đã tống đạt cáo trạng đối với bà Trương Mỹ Lan và 34 người khác, về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc có hành vi lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ đô la.

Theo RFA, Bộ Công an đã gửi công văn yêu cầu tương trợ pháp lý tới Trung Quốc, Hong Kong và Tổng trưởng lý các quần đảo British và Cayman thuộc Anh, đề nghị xác minh về pháp lý của 11 tổ chức và giám đốc đại diện của họ. Những tổ chức này được cho là có quan hệ với vợ chồng bà Trương Mỹ Lan và ông Chu Lập Cơ.

Hai cá nhân cũng bị đề nghị, xác định là Chiu Bing Keung Kenneth, Chen Yi Chung. Tuy nhiên, hiện tại chưa có trả lời gì từ các nơi được gửi công văn.

RFA dẫn truyền thông nhà nước, theo đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát cho biết, người tên Chiu Bing Keung Kenneth (có quốc tịch Anh và Bắc Ireland) là luật sư, đại diện cho bà Trương Mỹ Lan, quản lý các công ty, tổ chức nước ngoài thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.

Theo cáo trạng, Chiu Bing Keung Kenneth có hành vi tạo lập loạt hợp đồng khống, giữa các công ty trong nước với công ty nước ngoài, để làm hồ sơ chuyển tiền đi và ngược lại.

Ông này bị cáo buộc đã chuyển đi hơn 556 triệu đô la và nhận về hơn 940 triệu đô la, trong giai đoạn từ 2014 – 2022.

Vẫn theo RFA, ông Chen Yi Chung (quốc tịch Hong Kong) – quyền Tổng Giám đốc SCB – bị cáo buộc đã thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, hoặc nhận về Việt Nam, cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát, trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021. Tổng số tiền là hơn 700 triệu đô la.

RFA cũng cho biết, cáo trạng mới nhất dành cho bà Trương Mỹ Lan, là giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ở giai đoạn 1 của vụ án đã bị đưa ra xét xử vào tháng 3/2024, bà Lan bị tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và 20 năm tù về “Đưa hối lộ”.

Liên quan vụ án này, trước đó, ngày 11/6, RFA cho hay “Công an kêu gọi gần 10.000 nhà đầu tư trái phiếu Vạn Thịnh Phát hợp tác trình báo”.

Theo đó, Bộ Công an xác định số người bị hại trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là hơn 35 nghìn người. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 25.000 hồ sơ trái chủ được thu hồi, còn gần 10.000 nhà đầu tư trái phiếu Vạn Thịnh Phát chưa trình báo công an.

Đây là những người đã đầu tư mua 25 mã trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là công ty là An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra. Họ là những nạn nhân của vị lừa đảo lớn nhất lịch sử tài chính này. Số tiền bị chiếm đoạt được xác định là hơn 30.800 tỷ đồng.

RFA dẫn truyền thông nhà nước, vào các ngày 29/7, 22/9, 7/10 năm 2023, và ngày 14/5/2024, Cơ quan Điều tra đã ban hành các thông báo tìm người bị hại, và các Quyết định Ủy thác điều tra gửi đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an, tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, lấy lời khai của 35.824 người bị hại.

Vẫn theo truyền thông nhà nước, đến nay, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã xác định rõ thông tin từng cá nhân, và thu thập đầy đủ ý kiến của 25.140 hồ sơ trái chủ. Tuy nhiên, vẫn còn gần 10.000 hồ sơ bị hại chưa thể hoàn tất, do chuyển nơi cư trú và chưa hợp tác trình báo.

 

Ý Nhi – thoibao.de