Đại biểu Lê Thanh Vân và “đòn thù” của Tô Đại trong đại án Mobifone mua AVG?

Cũng như cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Lê Thanh Vân lâu nay vẫn được coi là một trong những tiếng nói “gai góc”, khó nghe, đối với một số lãnh đạo cấp cao trong ngành tư pháp.

Ngày 10/7, ông Lê Thanh Vân đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Thái Bình khởi tố và bắt giam. Đây được xem là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, bị khởi tố vào tháng 11/2023.

Công luận nghi ngờ và đặt câu hỏi, liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy, chủ trương nhằm triệt hạ những tiếng nói phản biện của các đại biểu Quốc hội, để Chủ tịch Tô tiến tới độc chiếm nghị trường Quốc hội?

Theo giới thạo tin, không hẳn là như vậy, mà khả năng cao, vụ bắt giữ ông Vân có liên quan đến những ý kiến cho rằng, Ban lãnh đạo Nghệ Tĩnh đã và đang chuẩn bị lật lại hồ sơ vụ án “Mobifone mua 95% Cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG” của ông Phạm Nhật Vũ, em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, để làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch Tô Lâm.

Đây là một đại án, với sự thông đồng của hàng loạt các quan chức lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, qua 2 đời Bộ trưởng là các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, đã làm thất thoát của nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng, để chia nhau. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Tô Lâm lúc đó, phải chịu trách nhiệm chính, khi lạm dụng quyền lực, để ban hành các văn bản thuộc loại “Mật”, nhằm che dấu trong quá trình thanh tra và điều tra vụ án vừa kể.

Tuy nhiên, do sự che chắn của giới chức lãnh đạo cấp cao, vụ đại án nói trên chỉ xét xử duy nhất một phiên sơ thẩm, không có phiên xét xử phúc thẩm, và ông Tô Lâm đã thoát tội một cách ngoạn mục.

Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/11/2017, trong bản tin với tiêu đề “Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn vụ Mobifone mua AVG”. Bản tin cho biết, tại phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn, sáng 17/11/2017, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đã chất vấn về thương vụ AVG – Mobifone.

Theo đó, Đại biểu Vân đã đặt vấn đề:

“Chất vấn của tôi chỉ liên quan đến một vấn đề, với 3 câu hỏi ngắn, gọn và tôi đề nghị Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời rành mạch, cụ thể từng câu”.

“Từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào, mà Mobifone đã dùng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG? Giá trị đích thực của thương vụ này là bao nhiêu? Từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào? Có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra hay không?”

Theo giới quan sát, những câu hỏi “gai góc” như thế này, của các đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Lưu Bình Nhưỡng, được cho là đã “đổ thêm dầu vào lửa”. Điều đó đã khiến Tổng Trọng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai, về trách nhiệm của dự án đầy nghi vấn này.

Ngày 8/3/2018, Ban Bí thư dưới sự chủ trì của Tổng Trọng đã kết luận, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Đến ngày 14/3/2018, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển Bộ Công an khởi tố điều tra vụ án này.

Theo hồ sơ điều tra của Thanh tra Chính phủ, về vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, đã kết luận:

“Công ty AVG chỉ có giá trị ròng khoảng 1.900 tỷ đồng, nhưng được thổi giá lên 8.900 tỷ, vì vậy, Mobifone làm thất thoát ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỉ đồng.”

Tháng 12/2019, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, và kết án: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phạt tù chung thân; Trương Minh Tuấn phạt 14 năm tù; Chủ tịch Hội đồng Thanh viên Lê Nam Trà phạt 23 năm tù; cựu Tổng Giám đốc MobiFone Cao Duy Hải phạt 14 năm tù.

Ngoài ra, hàng loạt các quan chức nhà nước khác có liên quan đã nhận các bản án trừng phạt thích đáng. Tuy nhiên, bị cáo Phạm Nhật Vũ với cáo buộc đưa hối lộ với số lượng lớn, nhưng chỉ bị án phạt 3 năm tù.

Đáng chú ý, liên quan đến “Giao dịch mật”, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông đã cố ý đưa giao dịch này vào danh mục “Mật” của nhà nước. Đó là các công văn do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký, gửi Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; cũng như công văn của Bộ Công an gửi lại Bộ Thông tin Truyền thông. Đây là 2 công văn “tối mật”, và đã được chấp thuận.

Trong đó có: “cấm không được thông tin, tuyên truyền thương vụ nghìn tỉ ra dư luận, do sợ người dân hiểu nhầm.”

Được biết, Tòa cũng có gửi văn bản tới một số cơ quan, đề nghị giải mật các tài liệu, song cho đến nay vẫn chưa nhận được kết quả./.

 

Trà My – Thoibao.de