Ngày 19/7, trang blog Lê Quốc Dân trên VOA tiếng Việt có bài bình luận: “Di sản Nguyễn Phú Trọng”.
Tác giả cho rằng, sau sự ra đi của Tổng Trọng, đây là thời điểm thích hợp có thể bình tĩnh, nhìn lại những di sản của một người mang chân mệnh “đế vương”.
Theo nhận xét của tác giả, ông Trọng là một Tổng Bí thư đặc biệt, bởi nếu không phải là một “con người đặc biệt”, thì không thể được tập thể coi là “trường hợp đặc biệt”, đứng trên cả Hiến pháp và Điều lệ Đảng trong một thời gian khá dài.
Tác giả cho biết, ông Trọng làm Tổng Bí thư trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, bất chấp Điều 17 Điều lệ Đảng quy định “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Khi là Tổng Bí thư, ông lại thay mặt Nhà nước trong rất nhiều hoạt động đối ngoại, mặc cho Điều 86 Hiến pháp minh định “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”
Ông Trọng từng là Chủ tịch Quốc hội trong suốt 6 năm, và sau đó trở thành người thứ 3 trong lịch sử Đảng, vừa là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, chỉ sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh, tác giả cho biết thêm.
Theo ông Lê Quốc Quân, sự liêm khiết đã đảm bảo cho ông Trọng một uy tín nhất định trong một thời gian dài, và được xem là hình mẫu về “người Cộng sản cuối cùng”, tha thiết tin vào sự trường tồn của Đảng.
Tác giả lưu ý rằng, Tổng Bí thư không chỉ giỏi về lý luận, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương suốt 6 năm (2001-2006), ông còn được cho là biết giải quyết các bài toán thực tiễn trong chính trị nội bộ Đảng – nơi độc tài luôn luôn đi kèm với những nước đi quyền bính đầy mưu lược.
Về di sản đối nội, khi đảm nhiệm 2 chức vụ quan trọng nhất cùng một lúc, là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay, mọi việc vẫn còn dang dở và không được “vuông tròn”, như ông mong ước. Những nhân sự ông gầy dựng đều đã phải ra đi, vì chiến dịch “đốt lò” do chính ông khởi xướng.
Tác giả nói thêm, mặc dù, công cuộc “đốt lò” của ông đã được nhiều người nức nở ngợi khen, nhưng cũng phơi bày ra trước mắt nhân dân rằng, quan chức Đảng thực sự là một “bầy sâu”, và bất cứ ai cũng có thể thành “củi”.
Về mặt đối ngoại, theo tác giả, có lẽ, chưa ai có được cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ nhiều lãnh đạo thế giới, cả Đông và Tây, như ông Trọng.
Với 6 năm làm Chủ tịch Quốc hội, 12 năm làm Tổng Bí thư, trong đó có 3 năm vừa là Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư, ông đại diện cả Nhà nước và Đảng trong nhiều hoạt động đối ngoại, và có cơ hội gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo thế giới.
Dưới thời của ông, Việt Nam phiêu lưu di chuyển trên một đường ranh quan trọng, trong lúc mâu thuẫn giữa 2 cường quốc dâng cao, và thế giới đang chia phe rõ rệt.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có 6 Đối tác Chiến lược Toàn diện, và 12 Đối tác Chiến lược; đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do song và đa phương, như một minh chứng cho một nền ngoại giao cây tre của Tổng Trọng.
Tiếc rằng, với quyền lực lớn lao của mình, ông Trọng đã không đặt được một nền tảng lâu dài, có tính hệ thống cho Việt Nam. Hiến pháp 2013 vẫn ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, là bước lùi trong việc đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam. Báo chí bị quy hoạch và bất đồng chính kiến bị bắt tràn lan, xã hội dân sự bị tấn công và ngôn luận bị kiểm soát chặt chẽ.
Tác giả mô tả, kinh tế Việt Nam bắt đầu chậm lại, và nhiều thiết chế xã hội bị lu mờ. Đã một thời, người ta hy vọng có được một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự lành mạnh, và nền tư pháp được cải cách. Tất cả những điều đó hầu như đang dừng lại, đặc biệt là tự do báo chí.
Sau cùng, người ta sẽ nhớ về Tổng Trọng, với chiến dịch đốt lò, ngoại giao cây tre và đàn áp bất đồng chính kiến, tác giả nhận định.
Quang Minh – Thoibao.de