Ông Hoàng Chí Bảo cả đời dùng 3 tấc lưỡi, bịa chuyện về Hồ Chí Minh để moi tiền từ chế độ – một ông giáo sư được Đảng Cộng sản đào tạo cho nghề kể “chuyện bịa như thật”. Đảng hy vọng, với những mẩu chuyện bịa đặt ấy, huyền thoại Hồ Chí Minh sẽ trở nên linh thiêng hơn. Nhờ đó mà cả một rừng quan chức núp dưới cái bóng huyền thoại này, thi nhau trục lợi từ 100 triệu dân.
Những lần xuất hiện để kể “những câu chuyện Bác Hồ” cho các cơ quan nhà nước, ông Hoàng Chí Bảo được trả thù lao rất hậu hĩ. Và cứ như thế, ông xem đây như một nghề để kiếm sống. Ông tự nhận thấy rằng, đây là một công việc mà ông vinh dự có được.
Mang tiếng là “nhà nghiên cứu” về Hồ Chí Minh, nhưng thực chất, ông chẳng nghiên cứu được gì, mà chỉ nghĩ ra những mẩu chuyện bịa đặt, để kiếm danh và kiếm tiền. Việc này quá dễ dàng so với công việc nghiên cứu. Muốn nghiên cứu, người thực hiện cần phải có một trình độ nhất định; phải có sự nỗ lực để tìm kiếm thông tin, tư liệu; và cần phải có sự liêm chính khoa học. Còn như ông Bảo, thì chỉ cần bán rẻ lương tâm là làm được. Việc nhẹ nhưng tiền lại đầy túi.
Có lẽ, ông Bảo cũng không lường trước được rằng, bản thân ông sẽ bị rơi vào tình cảnh như ngày nay. Bởi ông luôn phết lên mặt Hồ Chí Minh những nét vẽ mà ông cho là đẹp nhất, ấy vậy mà, giờ đây, ông bị cho thôi chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện kinh tế Pháp luật và Quản lý. Đau hơn nữa là, ông bị quay clip chối bỏ những phát biểu về ông Thích Chân Quang, và bị tung lên mạng. Như vậy là, phía chính quyền đã không còn muốn sử dụng ông nữa, nên họ bêu hết những cái xấu của ông ra trước bàn dân thiên hạ, và tất nhiên, ông cũng sẽ hết đất sống.
Rõ ràng, ông Hoàng Chí Bảo bị chính quyền vắt chanh bỏ vỏ. Khi mà họ còn cần ông, để tô son cho Hồ Chí Minh, thì họ xem ông như “giáo sư đáng kính”. Nhưng khi hình ảnh Hồ Chí Minh đã mất thiêng, thì ông bị họ quẳng đi, như một cái vỏ chanh sau khi đã vắt hết nước.
Những ngày qua, không chỉ ông Hoàng Chí Bảo, mà còn có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, cũng bị chính quyền vắt chanh bỏ vỏ. Nam ca sĩ này, bao nhiêu năm qua, đã hát nhạc đỏ để giúp cho Đảng kéo giới trẻ về với loại nhạc tuyên truyền này. Tại rất nhiều sự kiện, ngày lễ, của chế độ, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tham gia hát nhạt đỏ cho Đảng. Chính vì vậy mà ca sĩ này bị gắn mác là “văn công” của chế độ.
Bao nhiêu năm dùng sức ảnh hưởng của ngôi sao, để hướng khán giả về với Đảng, thì Đảng không nhớ. Nhưng chỉ cần một lần mang tấm huy chương “Biệt động bội tinh”, để tô điểm cho bản nhạc Bolero, mà ca sĩ đã bị trừng phạt ngay tức thì. Đây là một quyết định tùy tiện của Sở Thông tin Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyện vắt chanh bỏ vỏ của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là chuyện mới mẻ gì. Trước đây, Đảng xúi tầng lớp trí thức trẻ miền Nam, vốn yêu nước nhưng thiếu thông tin, nghe lời Đảng, chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tầng lớp này, sau năm 1975, cũng bị Đảng vắt chanh bỏ vỏ, không dùng đến. Cho nên, với những người tận tụy phục vụ chế độ, thì chẳng bao giờ được chế độ này “biết ơn”.
Chế độ này là vậy, họ xem nhân dân là nguồn lợi vô tận để khai thác. Họ xem thành phần ngoan ngoãn phục vụ cho chế độ, cũng chỉ là nô bộc. Tuy họ xưng là “đầy tớ của nhân dân”, nhưng sự thật, họ tự xem họ là những ông vua, và phần còn lại chỉ để họ khác thác. Một khi hết giá trị sử dụng, thì sẽ bị họ vứt đi một cách không thương tiếc.
Hoàng Chí Bảo và Đàm Vĩnh Hưng, cả đời khép nép, nhìn trước ngó sau, vậy mà vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt của chế độ này. Một khi Đảng tự cho bản thân đứng trên luật, ý muốn của họ là luật, thì chẳng ai có thể thoát khỏi nanh vuốt họ, dù cho đó là những kẻ chuyên “đi nhẹ nói khẽ”.
Trần Chương – Thoibao.de