Ngày 26/7, blog Ngô Nhân Dụng trên VOA Tiếng Việt có bài: “Hãy chôn cất Chủ nghĩa Cộng sản”.
Tác giả cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam nên chôn cất Chủ nghĩa Marx – Lenin, và chấm dứt, không tôn thờ một thứ chủ nghĩa hay lý thuyết kinh tế, chính trị nào khác. Đây là một căn bệnh tâm thần từ châu Âu lan ra thế giới, từ thế kỷ 19, mà chính các nước Tây phương nay đã trị gần hết bệnh.
Tác giả cho biết, có rất nhiều bằng chứng đi ngược lại điều ông Trọng luôn khẳng định: “Chỉ có Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc”. Sau Đệ nhị Thế chiến, nhiều dân tộc từ châu Á đến châu Phi đã giành lại độc lập, tuyệt nhiên, không ai dùng tới Chủ nghĩa Cộng sản. Chỉ vài quốc gia như Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba đi theo, nên sau đó chậm phát triển, phải quay ngược chiều, học theo kinh tế tư bản.
Tác giả dẫn phát biểu của ông Trọng, năm 2008, rằng, chỉ trong 3 năm nữa thôi, “Hội đồng Lý luận Trung ương” sẽ hoàn tất việc nghiên cứu để tìm ra một “Học thuyết xây dựng chiến lược Việt Nam trong thế kỷ 21”. Từ đó tới nay, cái “chiến lược” đó vẫn chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu suông.
Tác giả nhận định, trong khi Đảng ca tụng ông Trọng, “để lại một di sản lý thuyết” lớn lao về Chủ nghĩa Marx – Lenin, thì người Việt lại không cần cái di sản tai hại đó. Hàng trăm năm qua, loài người vẫn cứ thế tiến tới, không nhờ một chủ nghĩa nào chỉ đường dẫn lối cả. Bởi vì, trước hết, loài người phải sống, không ai chờ có một chủ thuyết nào rồi mới bắt đầu sống.
Tác giả nhận xét, cái bệnh đi tìm chủ thuyết phát sinh ở Việt Nam, là do ảnh hưởng từ phương Tây. Các “ông Tây” sống duy lý từ mấy trăm năm trước, đã xây dựng nhiều chủ thuyết, để dẫn dắt người khác theo mình. Điều đó trở thành một thứ bệnh truyền nhiễm.
Bệnh nặng nhất là Karl Marx, truyền xuống Lenin, lây dần dần sang nhiều người khác. Vì chủ nghĩa đó mà thế giới chia đôi, 2 khối đánh nhau, người Trung Hoa, Hàn quốc, Congo, Việt Nam, chết nhiều nhất. Phải chờ tới khi Chế độ Cộng sản hoàn toàn thất bại ở Nga, thì loài người mới vỡ lẽ ra rằng, tất cả câu chuyện chủ nghĩa chỉ là chuyện tầm phào.
Tác giả đặt câu hỏi, nếu vậy, thì trong kinh tế tư bản, người ta không cần một chủ nghĩa nào chỉ đạo hay sao?
Đúng như vậy! Kinh tế tư bản chỉ dựa trên vài nhận xét của nhà đạo đức học xứ Scotland, Adam Smith. Ông thấy rằng, bất cứ ai, một bà nướng bánh hay một ông hàng thịt, làm việc chính vì muốn kiếm lời, và khi ai cũng làm như vậy, những người chung quanh sẽ được hưởng lợi. Smith cũng thấy một điều là, người ta thường chỉ trao đổi với nhau khi cả 2 bên thấy mình có lợi. Đó là 2 ý kiến căn bản của kinh tế tư bản.
Tác giả dẫn biện luận của nhà kinh tế học Hayek, khi kinh tế được tập trung chỉ huy, thì cuối cùng sẽ thất bại. Vì thất bại, cho nên phải cưỡng chế, dẫn đến cảnh nô lệ hoá mọi người. Một chế độ kinh tế tập trung chỉ huy, cuối cùng sẽ tước bỏ hết các quyền tự do. Từ đó, đến nhân phẩm cũng mất.
Theo tác giả, Hurwicz – nhà kinh tế học người Nga, khi đi tìm những động cơ thích hợp để giúp một cơ chế kinh tế đạt kết quả, đã giúp người ta hiểu, tại sao kinh tế Cộng sản thất bại. Với những phương pháp thiết lập “động cơ thích hợp”, nền kinh tế có thể hoạt động tự do mà xã hội vẫn theo đuổi được những mục tiêu ngoài kinh tế, như tôn trọng công bằng xã hội, trọng người già hoặc giúp trẻ em, mà không cần “giáo dục” hay cưỡng bức ai cả. Điều quan trọng là, không cần biến một thứ chủ nghĩa nào thành tôn giáo buộc mọi người tin theo.
Tác giả đúc kết, “tự do, dân chủ” không phải là tên một chủ nghĩa. Dân chủ chỉ là những “luật chơi” giống như luật đá banh. Khi có tự do, người ta được chọn, khi cần phải cùng nhau chọn, đặt ra những quy tắc chọn lựa chung, ví dụ như bỏ phiếu. Cứ như vậy, loài người sẽ sống hạnh phúc hơn mà không cần tôn thờ một chủ nghĩa, như lối người Cộng sản trong thế kỷ trước.
Đa số những người Cộng sản ở Việt Nam bây giờ, không tin vào chủ nghĩa nào nữa, chỉ tin ở thế lực kim tiền! Nhưng nhiều người vẫn còn muốn dân chúng tiếp tục tôn thờ Chủ nghĩa Marx, để bảo vệ địa vị và tài sản của họ.
Minh Vũ – thoibao.de