Ngày 25/7, BBC Tiếng Việt có bài: “Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời: “Lò” có tiếp tục cháy?”.
Theo đó, ông Trọng qua đời, để lại một di sản dang dở là chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, hay còn gọi là “Đốt lò”. Trong khi, thành bại của chiến dịch này vẫn còn đang được mổ xẻ, câu hỏi đặt ra là, thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Đảng có tiếp tục “nổi lửa” hay không.
BBC trích lời Giáo sư Abuza, từ trường National War College của Mỹ, cho rằng, nếu Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, ông sẽ là một lãnh đạo “mang tính thực dụng” hơn ông Trọng. Vì, với xuất thân từ ngành Công an, Tô Lâm không phải là một nhà tư tưởng Cộng sản, và sẽ chú trọng đến sự phát triển kinh tế để duy trì “tính chính danh” của Đảng.
BBC dẫn nhận định của nhà quan sát chính trị Nguyễn Quang A, theo đó, ông Tô Lâm – ngôi sao đang lên trong chính trường Việt Nam, hiện đang ở vào “thế như chẻ tre”.
Ngày 18/7, khi ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Trọng, Bộ Chính trị đã phân công ông Tô Lâm, chủ trì công việc của Đảng, theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.
“Tất cả những ông trong Bộ Chính trị đều đồng ý rằng, ông Tô Lâm thay mặt điều hành ở Ban Chấp hành Trung ương. Như vậy có nghĩa là, không ai có thể cạnh tranh với ông ấy”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với BBC.
Bàn đến khía cạnh kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, không những “thất bại hoàn toàn”, mà thậm chí còn “gây hại”.
“Nó cản trở bao nhiêu GDP của Việt Nam, cản trở bao nhiêu sáng kiến của từng địa phương, từng cá nhân.”
“Vì mọi hoạt động của Việt Nam luôn cần thử nghiệm, được thì nhân rộng, sai thì chỉnh. Nhưng ai cũng sợ vào lò, không ai dám nói, không ai nêu sáng kiến. Thiệt hại này có thể đo lường bằng con số được.”
“Suốt từ mấy năm nay, bản thân ông Phạm Minh Chính và các lãnh đạo khác đều kêu là, phải chống lại nạn trì trệ, không dám chịu trách nhiệm, không dám làm. Vì sao lại có nạn này? Vì họ sợ thành củi.”
BBC dẫn lời một nhà quan sát chính trị Việt Nam, nói rằng, chiến dịch đốt lò của ông Trọng sẽ không bao tắt, vì không bao giờ hết tham nhũng.
BBC thống kê, kết quả của chiến dịch đốt lò là khoảng 60.000 người từ chức, chỉ trong giai đoạn 2021 – 2023.
Chỉ riêng trong 2 năm 2023 và 2024, hàng loạt lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã mất chức, trong đó phải kể đến 2 chủ tịch nước là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, 2 phó thủ tướng là Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tiếp đó, vào giữa tháng 5, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng mất chức. Đây được coi là các cơn địa chấn trong chính trường Việt Nam. Nền kinh tế cũng chịu tác động phụ của các chiến dịch này.
BBC cho biết, một hãng tin quốc tế hồi tháng 5/2024, ghi nhận, các nhà đầu tư đã giảm lượng cổ phiếu nắm giữ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương đương gần 2 tỷ USD, kể từ năm 2023. Trong đó, lượng bán ra nhiều nhất được ghi nhận trong những tuần biến động chính trị vào đầu năm 2024.
Ngày 16/5, hãng tin này trích dẫn một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, và các nhà tài trợ phương Tây, gửi tới Chính phủ Việt Nam, trong đó nêu rõ rằng, Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong 3 năm qua, và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa, do những trì trệ của bộ máy hành chính.
BBC trích lời của các tác giả Lê Hồng Hiệp và Nguyễn Khắc Giang, viết trên một trang tin của Singapore rằng, di sản chống tham nhũng của ông Trọng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách tiếp cận của người kế nhiệm.
“Bất kể ai kế nhiệm Trọng, những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam sẽ ít có khả năng xảy ra. Việc duy trì sự cai trị của Đảng sẽ là ưu tiên chính của nhà lãnh đạo mới, giống như đối với ông Trọng.”
Thu Phương – thoibao.de