Nhiều tổ chức quốc tế phản đối bản án dành cho bà Ngô Thị Tố Nhiên và yêu cầu Hà Nội trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường

Ngày 29/7, BBC Tiếng Việt cho hay “Quốc tế phản đối bản án dành cho bà Ngô Thị Tố Nhiên trước chuyến thăm Việt Nam của đại diện cấp cao EU”.

Theo đó, Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam, Dự án 88, và một số tổ chức quốc tế khác, mới đây ra thông cáo, kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Ngô Thị Tố Nhiên, cùng những nhà hoạt động môi trường khác, “đang bị giam giữ bất công”.

BBC cho biết, lời kêu gọi được đưa ra trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Josep Borrell Fontelles, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, diễn ra từ ngày 29-31/7 – theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn.

BBC cũng dẫn nguồn từ Dự án 88, cho biết, bà Tố Nhiên bị tuyên 3,5 năm tù trong một phiên tòa bí mật hôm 27/6.

Thông tin về diễn biến phiên tòa và bản án đều không được chính quyền Việt Nam công bố cho công luận.

Theo BBC, ông Josep Borrell tới Việt Nam để thảo luận về cách thúc đẩy hợp tác với Hà Nội, trong các lĩnh vực, bao gồm an ninh và phát triển bền vững.

EU và Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do từ năm 2020, đưa Việt Nam lên vị trí đối tác thương mại hàng đầu của EU tại Đông Nam Á, về hàng hóa.

Tuy nhiên, việc Việt Nam không lên án hành động leo thang quân sự của Nga tại Ukraine, và việc Việt Nam hoãn chuyến thăm Hà Nội của đặc phái viên về việc thực hiện lệnh trừng phạt của EU, David O’Sullivan, vào tháng 5, đã khiến EU chỉ trích, coi đây là một sự ưu ái dành cho Nga.

Vẫn theo BBC, trước chuyến thăm Việt Nam của ông Josep Borrell, bên cạnh Dự án 88 và Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam, Liên đoàn quốc tế nhân quyền và tổ chức thành viên – Ủy ban Nhân quyền Việt Nam, đã có thư ngỏ chung, kêu gọi Việt Nam trả tự do lập tức cho các nhà hoạt động môi trường đang “bị giam giữ tùy tiện”, trong đó có Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên.

Thư ngỏ cũng kêu gọi Việt Nam tôn trọng cam kết bảo vệ nhân quyền, như một yếu tố thiết yếu trong quan hệ với EU, bao gồm Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ tại Việt Nam, vì “đã thực hiện các quyền cơ bản của con người một cách ôn hòa”.

BBC nhắc lại, bà Ngô Thị Tố Nhiên là cựu Giám đốc điều hành của Tổ chức Sáng kiến ​​chuyển đổi năng lượng Việt Nam – đã bị đóng cửa sau khi bà bị bắt, vào tháng 9/2023.

Công an nói, bà Nhiên “trộm cắp, mua bán, bán hoặc hủy hoại tài liệu con dấu của cơ quan, tổ chức nhà nước”, theo Điều 342 Bộ luật Hình sự.

Bà Nhiên có hơn 15 năm kinh nghiệm làm tư vấn độc lập cho các dự án năng lượng của Ngân hàng Thế giới, EU, Liên Hiệp Quốc, ADB, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các hoạt động chuyên môn của bà tập trung vào kinh tế năng lượng, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp.

Bà đã tham gia xây dựng bản đồ tiềm năng năng lượng tái tạo cho Việt Nam và xây dựng chính sách năng lượng tái tạo.

BBC cho biết thêm, những năm gần đây, nhiều tổ chức phi chính phủ làm việc trong các lĩnh vực môi trường và năng lượng tại Việt Nam cũng đã bị đóng cửa hoặc bị hạn chế hoạt động. Nhiều lãnh đạo của các tổ chức này bị bắt, như Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng, Mai Phan Lợi, và Bạch Hùng Dương, với cáo buộc “trốn thuế”, trong khi, quốc tế mô tả là “có động cơ chính trị”.

Về vấn đề “giảm điện than” theo cam kết của Việt Nam, BBC đánh giá, lượng than nhập khẩu của Việt Nam đã tăng 71% trong 5 tháng đầu năm 2024, so với cùng kỳ năm 2023; năm 2023 tăng 61% so với năm 2022.

Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác than trong nước đã cao hơn 3,3% so với năm 2023.

Đây là hậu quả của việc Chính phủ tăng sản lượng than và khí đốt để giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu điện tiềm ẩn trong tương lai.

 

Hoàng Anh – thoibao.de