Tham vọng cường quốc trên biển của Trung Quốc và ba đặc khu Việt Nam

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh chiều 12-1-2017 -Ảnh: TTXVN
Tàu sân bay Liaoning của Trung Quốc được tạp chí Quwa đăng tải

Tháng 7/2017, Trung Quốc đã khai trương căn cứ hải quân đầu tiên ở Djibouti, một quốc gia có vị trí chiến lược ở vùng Sừng châu Phi và đưa quân tới đồn trú ở căn cứ này.
Đây được coi là dấu hiệu bành trướng quân sự của Trung Quốc với tham vọng sớm trở thành một cường quốc trên biển và siêu cường trên thế giới. Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm 2015 đã nhấn mạnh: „Phải từ bỏ giả thiết truyền thống rằng đất liền quan trọng hơn biển và tăng cường ưu tiên cho các hoạt động trên biển để bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải“. Vì vậy phải thiết lập cấu trúc hải quân hiện đại và tìm ra chiến lược để trở thành „cường quốc biển“.
Nhằm theo đuổi tham vọng này, Trung Quốc đang cấp tốc chế tạo các hàng không mẫu hạm để thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc mới có một chiếc hàng không mẫu hạm trong khi Mỹ đã có 10 chiếc. Chiếc hàng không mẫu hạm „Liaoning“ của Trung Quốc vốn được mang tên „Varyag“ để chế tạo cho hải quân Liên Xô, nhưng sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã bị bỏ dở và năm 1998, Trung Quốc đã mua lại của Ucraina với giá bèo bọt chiếc hàng không mẫu hạm đã được lắp ráp tới 70%. Mặc dù việc mua thông qua một doanh nghiệp tư nhân ở Hongkong, nói rằng mua về để làm sòng bạc nổi, nhưng Trung Quốc lại trang bị thêm thành một chiếc hàng không mẫu hạm hiện đại, đồng thời học mót được công nghệ chế tạo hàng không mẫu hạm.
Sau khi nắm được công nghệ, Trung Quốc đang chuẩn bị cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai, mới được gọi là Typ 001A. Theo các nhà quan sát phương tây, đây là một cột mốc trong phát triển lực lượng hải quân Trung Quốc. Theo các phương tiện truyền thông, chiếc Typ 001A này lớn hơn chiếc „Liaoning“, dài 315m rộng 75m ở vị trí tiếp xúc với trọng lượng choán nước là 70.000 tấn, tốc độ cao nhất là 31 hải lý (khoảng 57 km giờ). Nghe nói, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này sẽ được đặt tên là „Shandong“ có chỗ đỗ cho nhiều máy bay chiến đấu J-15 và máy bay trực thăng do thám, hiện đại hơn nhiều so với chiếc „Liaoning“, đồng thời là chiếc đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo hoàn toàn trong thời gian có 5 năm. Các chuyên gia cho rằng chiếc „Shandong“ có thể đưa vào sử dụng khoảng năm 2020.

Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tại Biển Đông

Chỉ bốn năm sau, dự kiến chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba Typ 002 sẽ lại được đưa vào hoạt động. Chiếc Typ 002 đang được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải, nghe nói sẽ hiện đại hơn so với hai chiếc hiện có.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện nay hải quân Trung Quốc có 215.000 binh sĩ với 75 tàu chiến lớn, hơn 60 tàu ngầm, 65 tàu đổ bộ hạng nặng và vừa, 65 tàu rải thủy lôi cũng như 230 tàu tuần tiễu. Thêm vào đó là 160 tàu vận tải.
Sau khi năm 2013, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình công bố sáng kiến „Một vành đai, một con đường“, một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ có thể liên quan tới 68 quốc gia trên thế giới, Trung Quốc đã dùng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ để củng cố sự hiện diện của mình ở những vị trí quan trọng về mặt chiến lược trên thế giới.
Một trong những dự án lớn mà Trung Quốc theo đuổi là kênh đào Kra. Từ lâu, Thái Lan đã có ý định xây dựng kênh đào Kra để nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, tránh cho tàu phải đi qua eo biển Malacca có nhiều cướp biển và rút ngắn hải trình được 2-3 ngày. Trung Quốc đã sốt sắng ngỏ ý muốn xây dựng kênh đào Kra, mặc dù chi phí dự kiến lên tới 28 tỉ USD và thêm 22 tỉ USD nữa để phát triển một đặc khu kinh tế nối liền với kênh đào này. Việc Trung Quốc một mình muốn cấp kinh phí cho dự án này đã gây lo ngại vì nó sẽ có tác động mạnh tới tương quan lực lượng địa chính trị ở khu vực này. Vì vậy, người ta mong chờ có thêm đối tác tham gia xây dựng kênh đào Kra như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hoặc các nước ASEAN. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, chưa có nước nào tỏ ra sốt sắng.
Tại Sri Lanca, do rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, Sri Lanca đã phải cho Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota, cảng nước sâu duy nhất của Sri Lanca với thời hạn 99 năm. Trung Quốc hiện nay đang đầu tư xây dựng cảng này thành đầu mối giao thương hàng hải toàn cầu. Người dân Sri Lanca đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối việc cho thuê cảng tới 99 năm, vì lo sợ Trung Quốc sẽ biến nó thành hải cảng quân sự và đưa tàu ngầm tới đây để khống chế các nước láng giềng như Ấn Độ. Nhằm đối phó với ý đồ của Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác vói Mỹ, củng cố mối quan hệ chiến lược với Úc và Nhật Bản.
Tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc bị cản trở vì các vị trí địa chính trị: Tại biển Hoa Đông, đường ra đại dương của họ bị án ngữ bởi Hàn Quốc và Nhật Bản, hai cường quốc khu vực không dễ dàng lấn át.
Vì vậy, Trung Quốc sẽ tìm cách không chế vùng biển Hoa Nam mà Việt Nam gọi là Biển Đông để thực hiện Giấc mộng Trung Hoa của họ. Việc Trung Quốc tuyên bố đường „lưỡi bò“ ở Biển Đông là của họ, không từ một thủ đoạn tuyên truyền nào, dù là trơ trẽn như in bản đồ đường chín đoạn lên hộ chiếu, xua du khách Trung Quốc mặc áo in bản đồ đường chín đoạn vào Việt Nam, dùng hướng dẫn viên du lịch xuyên tạc lịch sử, địa lý Việt Nam … cũng như thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đưa dàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam, đánh lạc hướng để san lấp các đảo chìm thành đảo nổi, xây dựng thành các căn cứ quân sự, đưa máy bay, tên lửa ra những đảo này, tạo ra sự đã rồi để củng cố vị thế của họ trên Biển Đông với mưu toan sẽ độc chiếm Biển Đông, khống chế vùng biển giao thương quan trọng trên thế giới.

Trung Quốc khai trương Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng hôm 13.10.2017 nhằm gia tăng ảnh hưởng của nước này tại Việt Nam

Âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc dễ dàng thành sự thật nếu Việt Nam thành lập 3 đặc khu ở những vị trí xung yếu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, vì họ sẽ nhảy vào án ngữ những nơi này. Kinh nghiệm nhãn tiền khi Trung Quốc nhảy vào đặc khu ở thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia, đặc khu ở vùng Tam giác Vàng ở bắc Lào, biến các nơi này như một thành phố Trung Quốc, thậm chí như ở đặc khu Tam giác Vàng là chỉnh đồng hồ theo giờ Bắc Kinh, nói tiếng Quan thoại, thanh toán bằng Nhân dân tệ. Khi họ đã nhảy vào ba đặc khu này, đưa công nhân của họ vào làm việc, nếu xảy ra xung đột giữa dân địa phương và người Hoa, thậm chí họ có thể chủ động khiêu khích gây xung đột để lấy cớ đưa tàu chiến tới để „cứu công dân của họ“ và án ngữ các vị trí xung yếu của Việt Nam thì lúc đó Việt Nam không thể thoát ra khỏi các vòi bạch tuộc bẩn thỉu của họ.
Cho tới nay, Việt Nam đã có 325 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 3 khu công nghệ cao. Toàn bộ các loại khu này đã được hưởng những ưu đãi tài chính theo các mức độ khác nhau, đã thu hút tốt đầu tư nước ngoài, tạo ra công ăn việc làm.
Vậy thì ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc có thể ưu đãi gì hơn để thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài việc giao cho họ những quyền tự do tới mức như khu tự trị để các nhà đầu tư Trung Quốc có thể biến ba đặc khu này thành lãnh thổ Trung Quốc trên đất Việt Nam, giống như họ đã làm với Sihanoukville và đặc khu Tam giác Vàng!

Sau khi người Trung Quốc xây khách sạn sát sân bay nước mặn tại Đà Nẵng, họ chỉ đón tiếp khách du lịch người Trung Quốc. Còn các cá nhân người Việt vào đây thì nhân viên đều đưa ra lý do hết phòng.( Zing.vn) 

Vũ Văn – Thoibao.de (Tổng hợp)
Nguồn: https://quwa.org/2016/11/17/china-declares-aircraft-carrier-liaoning-combat-ready/