Ông Đinh La Thăng hiện đang thụ án 31 năm tù, liên can đến 2 vụ án khác nhau: 18 năm tù vì làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế khiến PVN thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank, và 13 năm tù trong vụ án tương tự gây hậu quả nghiêm trọng tại PVC liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.
Mới đây – ngày 16/2/2020 ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại tiếp tục bị Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây ra hậu quả nghiêm trọng, theo quy định trong Khoản 3 Điều 224 của Bộ luật Hình sự.
Cơ quan An ninh điều tra xác định rằng, ông Đinh La Thăng, dù biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ, nhưng vẫn chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao thực hiện gói thầu, theo báo Tuổi Trẻ.
”Bị can Đinh La Thăng với vai trò là chủ tịch HĐTV PVN, trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN, mặc dù biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn chủ trì, kết luận các cuộc họp về chủ trương chỉ định thầu, chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao liên danh nói trên thực hiện gói thầu,” Tuổi Trẻ viết.
Tương tự, trang Zing.vn cho biết ”theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng biết PVC chưa từng thực hiện dự án Ethanol nào và tình hình tài chính đang khó khăn, nhưng với vai trò cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí kiêm Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, ông Thăng vẫn chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng thầu cho PVC tham gia dự án Ethanol Phú Thọ.”
Liên quan vụ án này trước đó ngày 29-6-2018, Cơ quan Công an đã bắt tạm giam ông Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).
Ethanol Phú Thọ là dự án sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học. Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) khởi công thực hiện dự án từ tháng 6-2009 trên diện tích 50ha, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng. Đến nay, đã gần 10 năm nhưng dự án này vẫn “đắp chiếu”.
Rất nhiều hạng mục của công trình vẫn còn dang dở, nhiều khu vực đã bị rỉ sét hư hỏng, cỏ dại mọc quá đầu người. Trước đây vài năm thì còn thấy công nhân bên trong để xây dựng, sửa chữa nhưng chỉ xây đến như vậy là không thấy làm gì nữa. Có chăng, tại các chốt chặn của cổng ra vào có bóng dáng của bảo vệ hoặc công an túc trực.
Kết quả điều tra xác định trong hồ sơ chỉ định thầu, chủ đầu tư đã không yêu cầu gì về kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu.
Tháng 11-2011 dự án này ngừng hoạt động và tổng nợ phải trả là 830 tỉ đồng.
Tính đến tháng 4-2018, PVB đã chi cho dự án số tiền vay từ ngân hàng là 772 tỉ đồng, chỉ riêng thiệt hại tính bằng lãi suất đã hơn 600 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ cho nhà thầu thiếu năng lực, gây thiệt hại 543 tỷ đồng.
Theo điều tra, năm 2007, Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025. Sau khi Tập đoàn Dầu khí gửi tờ trình về 3 dự án nhiên liệu sinh học và được Thủ tướng phê duyệt vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí, ông Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol (PVB) đóng tại huyện Tam Nông, Phú Thọ.
Cuối năm 2007, PVB ra đời với tư cách chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu 405 tỷ đồng. Sau đó, lãnh đạo PVB phê duyệt xây dựng dự án Ethanol Phú Thọ với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.
PVB công bố hồ sơ mời thầu gói thầu TK05 với nội dung: “Thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học phía Bắc”.
Có 6 bộ hồ sơ của các nhà thầu tham gia ứng tuyển, trong đó hồ sơ của liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Tuy nhiên, chủ đầu tư kết luận không có nhà thầu nào đạt tiêu chuẩn.
Theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng biết rõ nhà thầu PVC chưa từng thực hiện dự án Ethanol nào và tình hình tài chính đang khó khăn nhưng với vai trò cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí kiêm Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, ông Thăng vẫn chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng thầu cho PVC tham gia dự án Ethanol Phú Thọ.
Riêng liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T bị chủ đầu tư kết luận chưa đủ năng lực kỹ thuật và năng lực thiết kế, xây dựng. Báo cáo tài chính năm 2006 còn cho thấy Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí (PVC) bị thua lỗ.
Trong thông báo ngày 1/8/2018 của PVN, ông Thăng đã cho phép ngành dầu khí ưu tiên giao thầu cho PVC các công trình chuyên ngành đặc thù.
Theo định hướng giao thầu, Đỗ Văn Quang (cựu Trưởng ban Kinh tế kế hoạch PVC) biết rõ đơn vị kém năng lực nhưng vẫn tham mưu, dự thảo để PVC gửi công văn trình PVN, PVB tham gia dự án Ethanol.
Nhận được văn bản, ông Đinh La Thăng đã bút phê chỉ đạo cấp dưới tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giải quyết theo chủ trương chỉ định thầu cho PVC.
Căn cứ chủ trương chỉ đạo của ông Thăng, các bị can dưới quyền đã soạn thảo, tham mưu, đề xuất cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu.
Quá trình thực hiện, do liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công từ tháng 3/2013.
Theo cơ quan điều tra, tính đến ngày khởi tố vụ án, PVB đã sử dụng hơn 1.460 tỷ đồng để thực hiện dự án. Đơn vị này vay của SeaBank và PVCombank tổng số tiền hơn 754 tỷ. Hiện, PVB đã trả lãi một phần, khoản nợ còn phải trả là 417 tỷ.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra kết luận ông Thăng biết rõ liên danh nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn chủ trì, chỉ đạo quyết liệt việc chỉ định thầu. Các bị can còn lại đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, tham mưu, dự thảo, đề xuất hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu dự án cho liên danh nhà thầu.
10 bị can này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế, gây bức xúc dư luận.
9 bị can còn lại bị truy tố tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng: Vũ Thanh Hà (cựu Tổng giám đốc PVB), Nguyễn Xuân Thủy (Phó trưởng phòng thuộc PVB), Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Dũng (cựu Phó tổng giám đốc PVC), Đỗ Văn Quang (cựu Trưởng ban thuộc PVC)
Trần Thị Bình (cựu Phó tổng giám đốc PVN), Khương Anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc PVB), Lê Thanh Thái (Trưởng phòng thuộc PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB).
Hồi đầu năm 2015, ông Đinh La Thăng từng bị phía Trung Quốc cho rằng – phản ứng của ông khi ấy là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải – đã khiến cho quan hệ Việt – Trung trở nên “có nhiều gút mắc”.
Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc ngày 10/1 có bài “Quan chức cấp cao của Việt Nam mắng chửi nhà thầu Trung Quốc, nhân viên người Trung Quốc không thể lên tiếng”.
Trong một bài báo khá dài, Thời báo Hoàn Cầu tường thuật lại cuộc họp ngày 4/1 giữa Bộ trưởng giao thông Việt Nam Đinh La Thăng với Tổng thầu Trung Quốc EPC liên quan đến tai nạn sập giàn giáo làm chết một người ngày 28/12/2014, trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc Bộ trưởng Đinh La Thăng “chửi té tát” vào mặt nhà thầu cũng như Cục quản lý chất lượng công trình thuộc Bộ giao thông và dọa đưa Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vào danh sách đen khiến bản chất của vụ việc không còn như ban đầu. Bài báo này cho rằng phản ứng của ông Đinh La Thăng cũng như các quan chức Bộ giao thông đang khiến cho mối quan hệ Việt – Trung trở về thời kỳ “có nhiều gút mắc”.
Thời báo Hoàn Cầu báo viết rằng một nhân viên phía Trung Quốc từ đầu đến cuối không có thời gian để gật đầu. Một nhân viên người Trung Quốc khác cũng không nói được tiếng nào, tùy nghi để ông Đinh La Thăng quở trách.
Ông Thăng khi ấy rất mạnh mẽ đã đe dọa sẽ kiến nghị Chính phủ chấm dứt hợp đồng với phía Trung quốc, đó là thái độ song phẳng dứt khoát mà chưa có bất cứ quan chức chính phủ nào dám thể hiện.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn thông tin trên tạp chí “Diplomat” của Nhật Bản ngày 9/1 cho rằng dự án đường sắt Cát Linh- Hà Nội là do chính phủ Trung Quốc ưu đãi cho vay nhưng do nhiều lần do dự nên trước mắt hạng mục này đã ngốn của chính phủ Việt Nam nhiều triệu USD.
Theo ông Thăng, việc thực hiện dự án quá kém của tổng thầu dẫn đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông thực hiện kém cỏi nhất trên đất nước Việt Nam. Việc ảnh hưởng môi trường, đi lại, tai nạn từ dự án gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Dù Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía tổng thầu không chịu thực hiện.
Bộ trưởng Thăng nói: “Điều tối thiểu tôi yêu cầu khi đổ bêtông thì tạm ngăn đường mà các ông làm ăn như vậy. Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn thì các ông lại nhận khuyết điểm rồi cứ trơ ra vậy thôi. Tôi đề nghị phải thay tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định, đuổi toàn bộ thầu phụ, thay bằng các nhà thầu phụ lớn của Việt Nam.”
“Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực. Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được” – ông Thăng chỉ trích.
Càng gần đến Đại hội Đảng Cộng sản Việt nam lần thứ 13, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, chính trường Việt Nam lại thêm sôi động.
Ông Tổng Bí Thư Việt nam cùng chiêu bài “đốt lò”, đã sử dụng cách đem một “thanh củi” đưa đốt làm nhiều lần, dường như với mục đích thanh trừng phe phái nội bộ và mỵ dân hơn là thực tâm chống những kẻ ăn cắp công quỹ nằm trong đội ngũ trên 4 triệu đảng viên Đảng Cộng sản.
Với cách chống tham nhũng luẩn quẩn đó, chỉ làm các tệ nạn thêm trầm trọng, vì chính hệ thống theo Chủ nghĩa Cộng sản độc tài đã dẫn đến độc quyền, kèm theo điều tệ hại là không có giám sát độc lập, cơ chế này sẽ tiếp tục sản sinh ra các nhóm tham nhũng mới, ngày một nguy hiểm và tàn bạo hơn với người dân Việt Nam.
Hải Yến từ hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)