Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa phát hiện được nguồn lây” virus corona ở Đà Nẵng, tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 7 vừa qua.
Cho đến nửa cuối của tháng 7, Việt Nam vẫn tự hào về thành tích chống dịch hiệu quả hiếm có, là hình mẫu trong khu vực và trên thế giới khi 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và chưa có trường hợp nào tử vong vì COVID-19.
Trong khi các quốc gia khác còn lưỡng lự thì chính quyền Việt Nam đã hành động nhanh chóng và quyết đoán với việc đóng cửa biên giới với hầu hết du khách, ngoại trừ công dân trở về từ khoảng tháng 03.
Việt Nam cũng đã cách ly và xét nghiệm bất kỳ ai nhập cảnh tại các cơ sở của chính phủ, đồng thời tiến hành kiểm tra và truy vết người nghi nhiễm rộng rãi trên toàn quốc.
Trong giai đoạn một, bên cạnh cách ly, chính phủ Việt Nam còn thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lan truyền của dịch bệnh.
Các chuyên gia ghi nhận Việt Nam cũng sở hữu một số yếu tố văn hóa, xã hội thuận lợi cho quản lý dịch bệnh cộng đồng đó là phần lớn người dân nắm bắt và lan truyền thông tin một cách nhanh nhạy đặc biệt là nhạy bén với các thông tin liên quan đến sức khỏe, nên khi có những khuyến cáo của ngành y tế, của nhà nước và nếu lại được nhắc nhở kịp thời thì người dân cũng có ý thức tuân thủ.
Một lợi thế khác là người Việt Nam quen chịu những áp lực về mặt tinh thần nên việc giãn cách xã hội đã không gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần, tinh thần cho người dân như ở nhiều nước phương Tây nên việc giãn cách xã hội đã mang lại những hiệu quả đáng kể mà không để lại nhiều hậu quả về mặt tinh thần cho người dân.
Có nhiều quan điểm còn cho rằng Việt Nam có được thành công trong giai đoạn một nhờ yếu tố may mắn.
Thứ nhất là khí hậu nhiệt đới nóng ẩm tại Việt Nam là một môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của dịch bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng virus corona ưa những nơi có nhiệt độ không quá nóng hay không gian kín nhất là những nơi điều hòa nhiệt độ bật cả ngày như công sở, bệnh viện… Như vậy, virus thì không thể sống và lây lan mạnh mẽ trong môi trường nóng ẩm như ở Việt Nam hiện nay.
Thứ hai là lối sống của người Việt ăn đủ loại thực phẩm tươi sống đặc biệt là người Việt sử dụng rất nhiều gia vị cũng như rau xanh trong nấu ăn nên cũng đã góp phần tăng khả năng đề kháng khác xa với người châu Âu ăn thực phẩm đông lạnh.
Còn, Nhà quan sát Đỗ Ngà đã nhận định và lý giải trên trang facebook cá nhân rằng: “Đợt đầu, chính quyền cộng sản đã kiểm soát dịch thành công vì họ đã thực hiện việc cách li và truy nguồn gốc gây bệnh rất quyết liệt. Có lúc, cứ tưởng như Việt Nam bị bung nhưng cuối cùng họ vẫn kiểm soát được. Ngoài nỗ lực của chính quyền thì trong đó còn có yếu tố may mắn nữa. Và phải nói, yếu tố may mắn đóng vai trò quyết định. Vì sao? Vì như ta biết, năng lực của của ngành y tế và năng lực của chính quyền ở bất kỳ quốc gia nào dù có có tiến bộ đến đâu thì cũng đều có giới hạn. Đã là năng lực luôn có giới gạn, trong khi đó khả năng lây bệnh của COVID-19 thì có thể nói là vô hạn. Nên bất kì quốc gia nào thành công trong việc chống dịch cũng đều có sự đóng góp của yếu tố may mắn. Vì khi sự lây nhiễm vượt quá khả năng ngành y và sự nỗ lực của chính quyền thì xem như “toang”.”
Nhưng sau 99 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nào thì đến cuối tháng 7, Đà Nẵng, thành phố biển nổi tiếng ở miền Trung của đất nước đã trở thành tâm chấn của một đợt bùng phát virus corona mới mà các nhà khoa học chưa tìm được câu trả lời về nguồn gốc của nó.
Việt Nam đang đương đầu với đợt tái bùng phát dịch COVID-19 với cường độ được cho là mạnh nhất từ trước đến nay ở cộng đồng và trong các tuyến đầu của ngành y tế là các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành.
Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trên khắp đất nước đang chạy đua để tìm hiểu chính xác virus corona đã xâm nhập trở lại như thế nào.
Tại Hà Nội, Giáo sư Rogier van Doorn, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, cho biết nguồn gốc của đợt bùng phát mới nhất này vẫn là một “bí ẩn lớn“.
Nhóm của ông làm việc với chính phủ Việt Nam về các chương trình bệnh truyền nhiễm và họ tập trung vào một số công việc mà ông gọi là “thám tử di truyền” – nghiên cứu chuỗi gen của các virus có thể giúp làm sáng tỏ “quy trình lây lan. Virus đến từ ai và từ đâu“.
Nhưng cho đến nay không ai biết làm thế nào ca mắc mới đầu tiên ở Đà Nẵng – một người đàn ông 57 tuổi được gọi là bệnh nhân 416 – tiếp xúc với virus corona.
Một số suy đoán đã được đưa ra.
Truyền thông địa phương đưa tin gợi ý rằng đợt bùng phát mới nhất có thể do một dòng virus độc lực hơn gây ra.
Quan chức y tế hàng đầu của Việt Nam được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng COVID-19 gây đợt bùng phát trên là “chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao”.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết rằng chỉ số lây nhiễm lần này “rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8-2,2”, và rằng “lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng”.
Một số khác thì chỉ ra những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thời gian qua chính là nguồn gốc của làn sóng dịch bệnh thứ hai này. Chính quyền Việt Nam liên tục phát hiện những đường dây đưa người Trung Quốc vào Việt Nam trái phép trùng với thời điểm phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện sau hơn 3 tháng làm chủ được tình hình. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, công an Việt Nam đã bắt khoảng 16.000 người Trung Quốc đã nhập cư trái phép vào Việt Nam. Riêng trong tháng 7 có 2.400 người. Tuy nhiên, số người bắt được và được công khai trên truyền thông chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần không bắt được hay bắt được mà không thông tin cho người dân chắc chắn không ít. Và cho đến thời điểm này những công dân của nước láng giềng, nơi khởi phát của dịch bệnh ấy, vẫn đang gieo rắc dịch bệnh trên khắp lãnh thổ Việt Nam từng ngày.
Còn các nhà nghiên cứu cho biết, một khả năng có thể xảy ra hơn là virus đã không bị phát hiện trong những tháng không có ca mắc nào được báo cáo, có khả năng lây truyền không có triệu chứng trong cộng đồng. Hoặc có thể đã xảy ra lỗi ở đâu đó trong quá trình cách ly với ai đó được cho về sớm.
Nguyên nhân cho sự trở lại của COVID-19 một cách nhanh và nguy hiểm như hiện nay được cho một phần bắt nguồn từ sự chủ quan và tự mãn sau thành công của giai đoạn một.
Trả lời BBC, bác sỹ Phạm Hoàng Anh, người từng tu nghiệp ở London, Anh Quốc, về dịch tễ học cho rằng Việt Nam chưa tự học được điều mà bà gọi là ‘bài học quan trọng’ từ phòng chống, kiểm soát và làm chậm đại dịch của chính nước này từ đợt một, khi mấy tháng qua để cho giãn cách xã hội, cùng nhiều biện pháp phòng hộ cá nhân và cộng đồng khác có phần bị lơi lỏng.
Bà nói: “Tôi nghĩ có lẽ bài học tạm lui của dịch sau đợt một là việc chúng ta phải trả giá, tức là cũng chủ quan. Tôi nghĩ rằng người dân cũng nhiều người rất là chủ quan, theo quan sát của tôi, và có thể ngay cả ngành y tế cũng chủ quan.
Trong thâm tâm của rất nhiều người nghĩ rằng chúng ta an toàn, chúng ta vượt qua rồi và thậm chí ở đâu đấy có những giả định là người Việt Nam có miễn dịch đặc biệt chẳng hạn.
Đấy là những giả định mà chưa có cơ sở khoa học nào đảm bảo cả, mà trong khi chưa có cơ sở như thế chúng ta lại chủ quan, lơi lỏng với những biện pháp cách ly, những biện pháp phòng hộ cá nhân… thì rất là nguy hiểm.”
Facebooker Nguyễn Lê Anh thì cho rằng: “Do tự mãn nên ban chỉ đạo đã không tiến hành các bước đi như:
– Thống kê và đưa ra kết luận về khả năng miễn dịch của người Việt Nam.
– Đưa ra lộ trình nghiên cứu đặc tính của con virus COVID.
– Đưa ra các kịch bản lây nhiễm mới và đánh giá tổn thất của từng kịch bản.”
Đợt tái bùng phát COVID-19 ở Việt Nam thu hút sự quan tâm, theo dõi của quốc tế và khu vực, đặc biệt với các thông tin được thông báo mới đây về các ca mắc nhiễm tăng thêm trong cộng đồng, trong đó có các ca tử vong và nhiều ca có nguy cơ tiến triển bệnh nặng.
Trang mạng Asia Times hôm 30/07/2020 có bài báo gây chú ý với tựa đề “Việt Nam – một nạn nhân của chính mình trong thành công chống COVID-19″.
Tác giả David Hutt, một cây bút chuyên theo dõi thời sự Việt Nam, Đông Nam Á và khu vực, đưa ra lời nhận xét rằng: “Việt Nam là một ‘mô hình mẫu’ ngăn chặn virus corona, nhưng một làn sóng thứ hai bất ngờ cho thấy giới chức đã buông lỏng sự cảnh giác của họ quá sớm.”
Nhà báo tự do Song Chi, cựu Đạo diễn truyền hình hiện sống tại Leeds, Anh quốc bình luận: “Tôi cho là có khác biệt giữa đợt một xuất hiện COVID-19 và đợt tái bùng phát , đợt hai này mọi người sẽ có phần lo lắng hơn vì đợt trước Việt Nam không có ai tử vong, nay thì đã có 10 người, tính tới ngày 06/08, đồng thời con số người bị nhiễm tăng khá nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Và một số bác sĩ, chuyên gia cũng dự báo sẽ có thêm nhiều người tử vong nữa do tuổi cao, có sẵn tình trạng bệnh lý nền v.v…
Một số quan chức Việt Nam cũng thẳng thắn cho rằng kỳ này dập dịch sẽ khó hơn vì trước đây chủ yếu là từ người bên ngoài vào còn bây giờ do cả người bên ngoài lẫn trong nước, lịch trình đi lại phức tạp khó truy dấu vết hơn.
Và lần này thì Việt Nam lại không muốn đóng cửa hoàn toàn như lần trước nữa vì bài toán kinh tế.
Cũng khá đáng tiếc là lần trước Việt Nam đã kiểm soát dịch, chống dịch khá tốt so với một số quốc gia khác, nhưng lại để cho bùng phát trở lại, có lẽ một phần do chủ quan, mở cửa hoàn toàn trở lại hơi sớm mà không tuân thủ toàn bộ biện pháp phòng ngừa cẩn thận không phải chỉ trong người dân mà còn trong mọi cửa hàng, dịch vụ, quán xá, nhà hàng…
Ví dụ như ở Anh, ý thức về “health and safety” (sức khỏe và an toàn) trong mọi môi trường lao động, ngành nghề, công sở… đã được tạo thành nếp, thành thói quen và thành luật lệ rõ ràng, cẩn thận, nên khi phải tuân thủ để phòng ngừa dịch thì họ cứ thế mà tiến hành, còn Việt Nam thì chuyện đó còn khá là thờ ơ, và chưa có luật để phạt.”
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> “Tự hào” quá sớm – Viên phổi Vũ Hán lại bùng phát ở Việt Nam
>>> Người Trung Quốc tràn vào Đà Nẵng – Vũ Hán của Việt Nam xuất hiện
>>> Việt Nam: Covid-19 tái bùng phát sẽ gây hậu quả “thảm khốc”