Những ngày gần đây, dư luận trong nước phẫn nộ trước sự việc chủ quán bánh xèo ở tỉnh Bắc Ninh đánh đập, bạo hành dã man nhân viên trong một thời gian dài, trong đó có cậu bé 14 tuổi.
Truyền thông trong nước đưa tin tối ngày 21/11, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận một cháu bé tại khu vực Chùa thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong có biểu hiện bất thường, trên người nhiều vết thương mang dấu hiệu của việc bị bạo hành.
Thiếu niên trình bày tên Trương Quang Duy (14 tuổi, ngụ thôn Thuận Hòa, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi được động viên, chăm sóc, cháu Duy khai do bị vợ chồng Nguyễn Thị Ánh Tuyết và Ngô Thanh Vũ – chủ quán Bánh xèo Miền Trung tại Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thường xuyên đánh đập.
Ngày 21/11, bà chủ nghi Duy trộm cắp tiền, đánh đập em đến nỗi em không chịu được nữa. Đến chiều khi bà chủ đi vắng, em trốn ra ngoài và được người lạ giúp đưa đi bệnh viện và báo cho cơ quan chức năng.
Ngày 22/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Phong đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc và ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết về hành vi “hành hạ người khác” theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự.
Duy còn kể lại rằng: “Bà chủ không chỉ đánh mình con, một anh khác cũng thường xuyên bị đánh. Trước đấy còn có một anh bị đánh đau quá, làm việc không được trả tiền nên anh đó đã bỏ trốn.”
Người nhân viên bị bạo hành mà Duy kể trên tên là Võ Văn Đức, 21 tuổi, cùng quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.
Tại cơ quan công an, Tuyết khai đã bắt 2 nhân viên trên làm việc không công từ 7h sáng ngày hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau nhưng không cho ăn uống, giao tiếp với người ngoài.
Mỗi khi cho rằng 2 nhân viên này lười, ở bẩn hay ăn vụng, Tuyết lôi 2 nhân viên ra sau nhà rồi đánh đập bằng nhiều vật dụng như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh…
Theo lời Duy, tháng 09/2020, em bắt đầu công việc tại quán. Hàng ngày, em phải dậy từ sớm, bắt đầu dọn dẹp, rửa bát và làm các công việc khác. Đến tận 4h sáng hôm sau, em mới được nghỉ. Mỗi ngày Duy kể chỉ được ngủ khoảng 3 tiếng ngắn ngủi.
Duy cho biết: “Mỗi lần bực tức hoặc thấy em không làm được việc là cô chủ quán véo tai, tát vào mặt, đá vào người và dùng chày đập đá đánh vào đầu, lưng. Có lần em bị chủ quán dùng cái cạo vảy cá đánh thẳng vào lưng nên đến giờ khắp lưng vẫn còn lỗ chỗ.”
Em cũng cho hay, chồng chủ quán có đánh mình nhưng thường đánh bằng tay, chân, không dùng hung khí. Để tránh bị phát hiện, em thường bị lôi ra đằng sau quán hành hung.
Cứ như vậy một tháng liên tiếp cậu bé 15 tuổi liên tục bị chịu trận. Có ngày em bị đánh từ sáng đến tối. Từ đó em cũng không được ăn cơm như mọi khi mà chỉ hôm nào có bánh xèo khách ăn thừa em mới được ăn, nằm nền đất.
Cách đây 1 tuần trước khi sự việc bị phát giác, Duy bị nữ chủ quán dùng dĩa nấu bánh xèo còn nóng nguyên, đập thẳng vào cánh tay đến phồng rộp, chảy máu.
Được biết, Duy học hết lớp 8 thì nghỉ học. Mẹ mất, cha 50 tuổi sức khoẻ yếu, nên anh trai đã đưa em từ Quảng Ngãi ra Bắc Ninh làm thuê cho quán bánh xèo của Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Câu chuyện của Duy một lần nữa cho thấy vấn nạn bạo hành trẻ em tại Việt Nam đã lên đến mức báo động.
Đặc biệt là khi nhiều người vẫn một cách gián tiếp chấp nhận bạo lực.
Việc bé Duy và những nhân viên khác tại quán Bánh xèo Miền Trung bị chủ quán Nguyễn Thị Ánh Tuyết bạo hành không phải là không có ai biết.
Bé Duy kể lại với báo chí rằng bà Tuyết thường lôi Duy vào phòng kín để đánh nên các nhân viên khác không biết, mà dù có chứng kiến nhưng trước thái độ hung dữ của chủ quán, vì miếng cơm manh áo họ chẳng dám can ngăn.
Một khách hàng quán Bánh xèo Miền Trung đã bình luận trên Facebook rằng: “Em biết bạn này lần nào vào (quán) cũng thấy bị quát chửi.”
Sau khi quán bánh xèo đóng cửa vì bà chủ quán bị tình nghi bạo hành nhân viên, những người hàng xóm kể lại là họ cũng thường xuyên chứng kiến chủ quán chửi mắng nhân viên.
Một phụ nữ cho biết, làm ở quán bánh xèo này, không ai trụ nổi 1 tháng, rất nhiều người đến thử việc rồi, nhưng chỉ được vài ngày là lại rời đi.
Người phụ nữ này nói: “Nhiều lần tôi thấy nhân viên bị đánh đập trên mặt dính đầy máu, có lần nửa đêm còn bắt xe ôm bỏ đi. Thế nhưng được ít ngày sau lại thấy nhân viên về làm việc bình thường. Cả chủ và nhân viên đều là người Quảng Ngãi, tôi nghĩ chắc có họ hàng thân thích gì mới làm được với nhau lâu dài thế.”
Theo PGS-TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó Viện Trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam, đây là những ví dụ cho thấy nhiều người vẫn một cách gián tiếp chấp nhận bạo lực.
Ông phân tích: “Nếu bạo lực gây thương tích nặng thì pháp luật nghiêm minh và có tính răn đe. Tuy nhiên đối với bạo lực ở mức thấp hơn, thì có vẻ như nó chưa đủ sức răn đe. Nhưng tôi nghĩ bạo lực nó có nguồn gốc ở truyền thống xa xưa, nên giải pháp không phải là trừng phạt, mà giải pháp là nâng cao nhận thức của người dân, làm sao cho cả xã hội lên án bạo lực dù cho nó nhỏ. Chúng ta chưa có chuẩn mực như vậy. Phải xây dựng cho bằng được chuẩn mực xã hội mà không chấp nhận bạo lực dưới bất cứ hình thức nào, mức độ nào. Thế thì điều này mình chưa làm được, xã hội cũng như nhà nước chưa làm được.”
Chưa nói đến người xung quanh, PGS-TS Lợi bày tỏ quan ngại trước thái độ của các nhân viên chấp nhận sư hành hung này. Ông giải thích:
“Bản thân các cháu không nhận thức rõ được mình có quyền gì. Cái hiểu biết về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của mỗi cá nhân cũng có vấn đề. Rõ ràng nó đặt dấu hỏi lớn cho việc giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên.
Tôi nghĩ trước mắt, nâng cao nhận thức của người dân mới là biện pháp quan trọng nhất. Đưa nó vào giáo dục phổ thông ngay từ lớp một, mẫu giáo, dậy cho trẻ em làm người là không dùng bạo lực, thì chúng ta sẽ giảm dần được. Tất nhiên vấn đề giảm bạo lực nó đi kèm với nhiều vấn đề an ninh xã hội khác, Chúng ta cũng phải có tiến bộ trong việc đảm bảo cuộc sống cho người dân, công ăn việc làm cho thanh thiếu niên vv. Nhưng biện pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức thông qua giáo dục từ nhỏ.”
Hiện, bé Duy đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong về các vết thương bên ngoài nhưng về mặt tâm lý, hậu quả của việc bị bạo hành còn đáng lo ngại hơn nhiều khi nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển của em sau này.
Bác sĩ tâm lý trị liệu Lê Văn Ẩn, làm việc với thanh thiếu niên trong gần 30 năm, từ Santa Ana, California, cho biết các em bị hành hung càng lâu thì việc điều trị càng khó: “Hành hung đánh đập như vậy là trauma (chấn thương tâm lý) như bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, bom đạn, giống y chang như vậy thôi. Nhưng mà các em mà càng bị lâu thì sẽ đi vào tiềm thức rồi vô thức… Bởi vì 14 tuổi còn phát triển về nhân cách, hành vi cử chỉ, ngôn ngữ, giao tế, sẽ ảnh hưởng lắm. Trị liệu tâm lý là gì? Bác sĩ hay chuyên viên tâm lý sẽ ngồi xuống nói chuyện với các em này để giúp các em lấy lại niềm tin, và hiểu rằng cái này là biến cố thôi chứ không phải mọi người xung quanh cũng là người xấu hết. Làm sao để họ giúp các em phát triển một sự tự tin mới. Muốn như vậy người chuyên viên trị liệu hay là gia đình, bạn bè là những người lấy lại niềm tin.”
Ông khẳng định, các em có thể vượt qua được khủng hoảng tâm lý như vậy nếu được trị liệu đúng mức. Việc này, ông nói, cần có sự phối hợp, tình thương của người mẹ, người anh người chị, thầy cô…
Anh trai của bé Duy là Trương Quang Dương, 18 tuổi, cho biết: “Sau sự việc này tôi cũng chưa nói với ba. Khi nào em được xuất viện tôi sẽ đưa Duy về quê, còn công việc sắp tới thế nào tôi chưa nghĩ tới.”
Dương cho biết cả 2 anh em đều là nhân viên của quán bánh xèo. Dương làm ở cơ sở khác, cách quán của em trai vài km. Dương kể, nhân viên của quán đều quê Quảng Ngãi, là hàng xóm, họ hàng với chủ quán.
Khi nhìn thấy những thương tích trên người em trai, Dương rất xót xa. Do 2 anh em làm ở 2 cơ sở khác nhau nên Dương không hay biết chuyện.
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nguyễn Đức Chung bị tâm thần – chiêu bài chạy tội, vu khống hay trò bịt miệng?
>>> 55 Tiến sĩ dùng bằng giả của Đại học Đông Đô là những ai?
>>> Án oan cả nước – Viện trưởng Lê Minh Trí đối đầu Chánh án Nguyễn Hòa Bình?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT