Trong mấy tháng qua, mạng xã hội Việt Nam lên cơn sốt chia sẻ các trang A4 của cơ quan y tế, truy vết, liệt kê chi tiết sinh hoạt của các bệnh nhân Covid được đánh số.
Thế giới đã sang thời đại digital nhưng có vẻ Việt Nam vẫn áp dụng cách đánh số cơ học và thông báo những chi tiết vừa thừa mà vừa thiếu.
Công văn, điện khẩn của các cơ quan chính quyền rất nhiều trang, nhiều dòng, hàng nghìn chữ mà nội dung chính vẫn là cách ly, phong tỏa diện hẹp, hoặc diện rộng.
Nhiều văn bản “đề nghị người dân” ở nhà, vậy trong các trường hợp khẩn cấp họ phải ra khỏi nhà thì sao?
Đọc qua các ca lây nhiễm, thông tin ta nắm được là bệnh nhân này đã “ăn thịt chó“, bệnh nhân kia ngày này, giờ nọ “vào quán cà phê, đi nhà hàng“, bệnh nhân nữa “về quê dự đám tang“…
Sự rối rắm về thông tin hiện rõ qua ví dụ một bài trên báo Lao Động:
“Liên quan đến bệnh nhân 4514 (TP.Thủ Đức), bệnh nhân 4583 (Quận 7)…có kết quả tâm tính. Đối với bệnh nhân 4780, bệnh nhân 4781, bệnh nhân 4782, đơn vị đã truy vết 137 trường hợp tiếp xúc gần, trong đó 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân 4781, bệnh nhân 4782, bệnh nhân 5329 (nam, 2 tuổi, quận Tân Bình), 1 trường hợp nghi nhiễm, 133 trường hợp còn lại âm tính lần 1 với với SARS-CoV-2.”
Việc làm thủ công này có lẽ là sản phẩm của hai niềm tin sâu sắc:
Nhà nước tin rằng người dân, cán bộ khai báo chính xác như khi bị thẩm vấn có máy phát hiện nói dối và trí nhớ của họ hoàn hảo;
Hai là niềm tin của cả xã hội rằng Covid chỉ “dính vào” những người không may mắn đó, còn lại ta đều an toàn, sạch sẽ.
Tôi nhớ đi khám bệnh ở Anh được bác sĩ hỏi kỹ nhưng tế nhị về sinh hoạt, chứ ngành y không có quyền của cảnh sát để hỏi cung công dân.
Ví dụ bác sĩ hỏi có tập thể dục không, nếu có thì tập trong gym (không gian kín), đơn lẻ (chạy), hay team play (bóng đá). Từ đó họ sẽ kết luận về lối sống của mình và cho cách điều trị.
Và đã là bệnh nhân thì người ta có quyền nhớ nhầm, nhớ thiếu chỗ này chỗ nọ (Covid có tác động đến trí nhớ, sức khoẻ tâm thần) nên đe dọa trừng phạt chỉ làm người ta thêm sợ, thêm cuống.
Bởi thế, các thông tin kiểu trên ở Việt Nam, ai ăn gì, đi đâu, chơi với ai, ngủ chỗ nào chỉ gây rối loạn xã hội hơn là giúp ích chung.
Còn về con số, nếu số lây đã lên hàng nghìn ở Việt Nam thì ai dám bảo là nó không đã là vài trăm nghìn hay vài triệu?
Vấn đề là bạn dùng mô hình (modelling) gì thôi.
Và có vẻ như không dùng các mô hình tính toán đó nên một bác sĩ ở TPHCM chỉ dám phỏng đoán là mầm bệnh Covid “đã có trong cộng đồng từ trước“.
Một thống kê ở Anh Quốc ngày 13/05/2021 dựa trên xét nghiệm máu của 1000 công dân trong tháng 4 kết luận 63,2% dân xứ Wales (3,16 triệu) đã có kháng thể chống Covid…vì bị dương tính.
Thông tin 2/3 dân Wales bị dương tính đăng đầy trên các báo, và không quan chức nào bị đẩy ra “chịu trách nhiệm” vì trót hứa “không toang“.
Ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Hoàng tử William đều đã bị dương tính Covid, đã khỏi và sinh hoạt bình thường, không ai “xấu hổ, hối lỗi” gì hết.
Việt Nam hoàn toàn có thể thử máu của 1000 dân để ước tính ra số dân bị dương tính.
Data là vũ khí: số liệu khoa học sẽ giúp triển khai khoanh vùng, cách ly, tiêm chủng hiệu quả hơn bỏ công sức ra rượt đuổi theo các ca dương tính.
Thông tin quan trọng nhất cần lưu lại là bệnh nhân đã có kháng thể tự nhiên chưa, chứ không phải ăn gì, đi đâu.
Cách đánh số bệnh nhân và đếm từng ca một của VN sẽ dừng ở điểm nào? Nếu là bệnh nhân lên tới 3 triệu, hay 30 triệu thì giấy tờ lưu đâu cho hết?
Mà giả sử hàng triệu người dân VN mắc Covid và có kháng thể tự nhiên thì đó cũng là ‘trong cái rủi có cái may‘, giảm nhẹ gánh nặng cho chương trình tiêm vaccine.
Nhưng để làm được như thế, ngoài việc thay đổi tư duy, coi việc bị lây Covid là bình thường thời nay, thì cần số hóa nhân khẩu bằng big data.
Trung Quốc đã và đang làm thế nào?
Tôi xin kể ví dụ của Trung Quốc.
Nước này đi trước Phương Tây với App của WeChat và Alipay tung ra sớm hơn NHS Covid App của Anh cả năm.
Bạn tôi, anh James Chen, có song tịch Anh- Trung cho biết không lâu sau khi dịch lan ra ở Trung Quốc, vào tháng 4/2020 Đại Sứ quán TQ ở London đã cung cấp cho mọi công dân của họ ở Anh mã số cho App của WeChat hoặc Alipay (ví điện tử AliPay được cho thêm ứng dụng theo dõi Covid).
Họ căn cứ vào ngày tháng năm sinh (ở quê cũ tại Trung Quốc), và số hộ chiếu đã cấp để lập profile về dân số TQ hải ngoại trong mùa dịch Covid.
Vì vợ con vẫn ở Anh nhưng có việc làm lương cao ở Thượng Hải, trong vòng hơn một năm qua James đi lại giữa hai nước ba bốn lần.
Ra sân bay, xuống máy bay anh đều trình ra mã màu xanh (âm tính). Mọi số liệu về hành trình cũng liên tục được cập nhận qua App ngay trên điện thoại.
Từ Thượng Hải đi Bắc Kinh thăm bố mẹ vợ, anh phải áp điện thoại vào máy đọc mã Alipay Health Code ở nhà ga xe lửa và đến cửa chung cư nhà nhạc mẫu thì đọc một lần nữa.
Tôi hỏi vậy có phải Trung Quốc tận dụng công nghệ số của các đại gia Tencent (chủ WeChat), và Alibaba (chủ Alipay) nên nhà nước không phải làm gì?
James Chen nói không hẳn như vậy.
Hệ thống y tế của Trung Quốc đã kết nối chặt chẽ với các công ty điều hành ứng dụng Covid App từ lâu, và các chính sách kinh tế, hàng không, tiêm chủng đều được phối hợp kỹ lưỡng mà không ồn ào.
Nhờ vậy công dân TQ ở nước ngoài vẫn bay về nước bình thường chứ không bị hạn chế như người Việt Nam muốn về thăm quê.
Tất nhiên, để làm được điều này TQ đã số hóa các đô thị gần như toàn bộ và AI (công nghệ xử lý số liệu bằng trí tuệ nhân tạo) đã khá phổ biến.
Báo Mỹ nói đến tháng 7/2020 thì hệ thống App theo dõi Covid đã phủ sóng trên 200 thành phố của Trung Quốc và phục vụ chừng 800 triệu dân.
James nói ai có Covid (bị hiện dấu đỏ – dương tính) thì tự cách ly, nếu không sẽ chịu phạt và thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn ai có dấu xanh (âm tính) thì cứ sinh hoạt, làm ăn bình thường.
Đến nhà hàng, vào hội nghị, người TQ cứ chìa điện thoại ra đọc ‘Covid status‘, nếu xanh thì vào, đỏ thì về và tự cách ly.
Trung Quốc không còn cảnh công an truy quyét, còng tay bệnh nhân và tuy bị đại dịch, kinh tế năm 2020 vẫn tăng trưởng dương, ngành hàng không chỉ bị thua lỗ 36%, theo số liệu chính thức.
Tuần trước James cho biết qua Facebook là anh đã được tiêm chủng và thông tin đó có ngay trên App, cho phép dùng nó như ‘hộ chiếu vaccine‘ đi du lịch khắp TQ.
Tôi cũng khoe với James là tôi đã có hộ chiếu vaccine trên NHS App ở Anh, với mã vạch theo tiêu chuẩn quốc tế, cộng số liệu hai liều vaccine của mình.
Dù tiêm vaccine khác loại, chúng tôi đều đồng ý là sẽ tới lúc các nước có đa số dân đã tiêm chủng sẽ nói chuyện với nhau để phối hợp việc công nhận giá trị của hộ chiếu vaccine.
Còn Việt Nam vẫn chưa thừa nhận hộ chiếu vaccine, phải chăng vì hệ thống chậm số hóa hay vì lo gì khác?
Đồng ý là có những ý kiến đặt câu hỏi về quyền riêng tư.
Các đại công ty Trung Quốc và chính quyền nay nắm thông số y tế của hàng trăm triệu công dân, nhưng phần lợi ích chung là họ làm kín đáo, không như Việt Nam.
Mà không chỉ Trung Quốc “biết chống dịch” bằng công nghệ.
Một đồng nghiệp người Hàn Quốc ở London cho tôi biết mọi công dân về quê nhà cũng như người nước ngoài nhập cảnh sẽ được kiểm tra Covid ở sân bay và cấp ngay một mã số duy nhất.
Cô bạn này từ Seoul trở lại Anh tháng 11/2021 và mã điện tử trên ứng dụng vẫn cập nhận cho cô các tin Covid ở Hàn Quốc.
Công dân Singapore thì dùng TraceTogether bắt buộc cho mọi công dân, miễn phí, hữu dụng, hiệu quả.
Họ mở cửa hàng, cửa hiệu là nhờ app này, và các cụ cao tuổi không có, không biết dùng điện thoại di động thì có ‘token‘ chuyên dụng, phát tín hiệu hồng ngoại, có dây buộc đeo ở cổ luôn.
Chống dịch dựa vào công nghệ mới lâu dài
James thừa nhận hồi đầu dịch, chính quyền Vũ Hán hoảng hốt và làm các biện pháp nặng tay, phản cảm nhưng sau trung ương đã có chiến lược ngăn dịch, truy vết (tracing) hiện đại.
Họ đã đi rất nhanh, từ chỗ trấn áp mạnh để dập dịch tới chỗ dùng công nghệ nhằm điều hành nhân khẩu để chống dịch và phục hồi kinh tế.
Còn Việt Nam thì sao?
Vụ cưỡng bức một phụ nữ ở Bắc Giang gần đây cho thấy ‘tinh thần Vũ Hán‘ của giai đoạn cuối 2019, đầu 2020 hóa ra vẫn còn rất mạnh.
Việc coi bệnh nhân như tội đồ không chỉ gây tổn thương tinh thần, vi phạm nhân quyền mà tạo không khí sợ hãi, chỉ khiến người ta trốn dịch.
Còn bêu riếu chuyện đi ăn, đi chơi là vô lý vì nếu các quán hàng, lễ hội vẫn mở thì người ta cứ việc đi, ai cấm. Và nếu không xét nghiệm đại trà sao buộc người dân tự biết là có virus hay không để ngồi nhà?
Quyết liệt đuổi theo virus để truy bắt nó thực ra là biểu hiện của bị động.
Covid không ra đi nhanh chóng và Việt Nam đã làm tốt theo kiểu ‘low-tech‘ ở đợt đầu.
Nhưng với diễn biến các chủng virus phức tạp, nhu cầu tiêm vaccine đại trà cần chủ động dồn tiềm lực quốc gia vào số hóa dân số vì nhu cầu y tế trước mắt và lâu dài.
Bài viết ‘Những điều ta đã biết và chưa biết về đại dịch Covid-19 và vaccine‘ của BBC Future nói hậu quả y tế của Covid còn sẽ kéo dài, không chỉ năm nay, năm sau.
Trang đây của ĐH Imperial College London có giới thiệu các mô hình tính toán mức hiệu quả của tiêm chủng, một công cụ hữu hiệu để chống dịch.
Các ví dụ gần gũi hơn về App truy vết, khoanh vùng dịch của Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore ta đều có thể đem về học hỏi.
Đại dịch là đại dịch, không phải cuộc kháng chiến, Covid không phải là giặc, người lây không phải là kẻ thù.
Thay đổi được tư duy đó sẽ giúp chính phủ chia việc ra chứ không phải dồn sức cả nước, cả hệ thống “vào trận” kéo dài, gây mệt mỏi, tốn kém.
Và cuối cùng, một số thói quen hành chính cũ kỹ, thiếu tình người trong kiểm soát dịch như nêu trên nên bỏ lại ở thời đại analogue.