Link Video: https://youtu.be/UThXYz-zrRM
Có rất nhiều luồng ý kiến về việc ông Phúc buộc phải về hưu trước Tết Âm Lịch cổ truyền. Luồng đông đảo nhất là cảm thấy hài lòng việc có người mang cương vị cao như ông Phúc đã phải chịu trách nhiệm về vụ Việt Á.
Nhưng có nhiều người ý kiến rằng vai trò của Tổng Bí thư ở đâu trong vụ việc này?
Trong số luồng ý kiến không hài lòng về việc bãi nhiệm ông Phúc, có người đã nêu ý kiến như vậy. Chẳng hạn như cựu nhà báo Hồ Thu Hồng. Bà Hồng viết trên facebook cá nhân, cảm nghĩ của bà về ông Phúc, bà cho rằng ông Phúc là người chu đáo, tình cảm và điều hành Chính phủ đoàn kết. Bà Hồng cho rằng, bắt ông Phúc chịu trách nhiệm chính trị về vụ Việt Á và giải cứu là có gì sai sai.
Có lẽ bà Hồng muốn nói, nếu nói về trách nhiệm chính trị, thì người phải chịu không phải là ông Phúc mà là ai đó. Bà không nói ra, nhưng ai cũng hiểu đó là Tổng Bí thư Trọng, người mang trách nhiệm chính trị lớn nhất đất nước hiện nay.
Trong một status viết trên Facebook trước đó, bà Hồng đặt câu hỏi 200 uỷ viên Trung ương giơ tay đồng ý bãi nhiệm các ông Minh, Đam, Phúc ở đâu khi dịch bệnh hoành hành, khi mà nhân dân trong cơn điêu linh , khốn khổ.
Bà Hồng không nhắc đến giá tiền đội gấp mấy lần của kít do Việt Á sản xuất hay giá tiền vé máy bay. Rất khéo léo, bà đưa hình ảnh người dân điêu linh, khốn khổ để người đọc hình dung rằng, trong thời điểm ấy, việc chống dịch do 3 ông kia đảm đương, là công việc khó khăn chưa từng có, chưa gặp phải, không ai có kinh nghiệm, chỉ dựa vào sự hăng hái, quyết tâm, dám làm, mà cuối cùng phải chịu cảnh bị các đồng chí của mình kỷ luật. Kết luận của bà định hướng người đọc, sẽ rất đúng, nếu như không có chuyện nâng giá tiền cao khủng khiếp, để moi của dân chia nhau.
Bà nhấn mạnh một cách ai oán, rằng 200 con người kia, 17 con người này chỉ là MỘT và lỗi tại nhân dân.
MỘT mà bà viết hoa ở đây, đương nhiên là Tổng Bí thư Trọng, một kẻ độc tài mà bà muốn nói, khi quy kết lỗi cho nhân dân, khi đặt ra câu hỏi:
“Bao giờ người Việt biết giành về cho mình quyền lựa chọn, đặt để những cá nhân xứng đáng vào vị trí lãnh đạo quốc gia?
Bao giờ người Việt không chấp nhận một hệ thống bất toàn khăng khăng làm thay nhân dân và tạo ra hết chuyện quái đản này tới chuyện quái đản khác?”
Hai câu hỏi của bà Hồng đều hướng về việc chỉ trích chế độ độc tài, người dân không có quyền lựa chọn cá nhân lãnh đạo quốc gia. Chưa đủ, bà Hồng còn chia sẻ Facebook của một người có tên Lê Dũng về trên Facebook của mình, để minh chứng thêm về ý kiến bất mãn của mình đối với ông Tổng Bí thư. Facebook Lê Dũng có viết một bài về nhà vua Tự Đức, để ám chỉ ông Trọng chỉ là loại phường khoe chữ, loại ấy nhiều mà chả làm được cái gì. Đã thế lại còn lưu manh, chọn người kế nhiệm rồi lại vu vạ cho người ta. Đang lấy vua Tự Đức ra bóng gió xa xôi, không kìm nổi bất mãn, Lê Dũng đưa luôn ông Phúc vào trong bài để mọi người hiểu rõ ràng hơn. Lê Dũng cho rằng, việc bãi nhiệm ông Phúc cho thấy, nền tảng phép tắc quốc gia quá bèo bọt, quân hồi vô phèng.
Cựu nhà báo thuộc báo Thanh Niên Nguyễn Kim Sánh, bút danh là Hoàng Hải Vân, sau bài Thuật Đế Vương, vạch ra cái đa nghi nham hiểm của ông Trọng, chỉ lo người ta cướp ngôi, khiến bầy tôi phải phạm lỗi để vua nắm thóp, vì nếu trong sạch quá thì bị nghi là mưu đồ làm phản, tạo uy tín. Ở bài sau nói về chuyện ông Phúc về hưu, Sánh còn táo bạo hơn là đòi trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương.
Ở đây chắc chắn ý Sánh muốn nói đến trách nhiệm của ông Trọng qua việc nhắc lại lời ông Trọng, là không có vùng cấm, Sánh ngầm đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương xem xét trách nhiệm của ông Trọng. Cho rằng, phó thủ tướng và bộ trưởng là cấp mà ông Phúc không có quyền bổ nhiệm hay cách chức, nhưng ông Phúc đã dũng cảm mở ra tiền lệ nhận trách nhiệm rồi.
Vậy thì tiếp tiền lệ ấy, BCH Trung ương nên xem xét trách nhiệm của ông Trọng để bãi nhiệm ông ta. Ý của nhà báo Hoàng Hải Vân rõ ràng muốn hướng dư luận tới mục tiêu ấy.
Thu Hồng, Hoàng Hải Vân là những người có ảnh hưởng trong dư luận. Nếu bỏ qua góc độ bênh phe bao phái của họ, cũng phải nói rằng, những gì họ nói về vai trò ông Trọng qua việc phế truất ông Phúc là một vấn đề đáng quan tâm. Chẳng hạn về năng lực, trách nhiệm của ông Trọng và việc bầu cử, việc thiết lập thể chế minh bạch.
Ai cũng biết, cả Thu Hồng lẫn Hoàng Hải Vân bây giờ hoặc trước kia, đều có thế lực chống lưng đằng sau. Nếu phát ngôn của họ về ông Trọng là do cá nhân họ tự nghĩ, thì họ là con người khá có dũng khí. Thông thường khi người của phe mình về, là lớp bồi bút lâu nhâu im lặng, chờ minh chủ mới lên để phò theo kiếm ăn. Những người còn cay cú đến mức mạt sát, kích động chống lại ông Trọng và có lời bao biện, thanh minh cho ông Phúc thực sự không nhiều. Đánh giá về mặt nghĩa khí, họ là những người đáng khen.
Còn nếu phát ngôn của họ là được hậu thuẫn bởi các thế lực đứng sau, chúng ta hy vọng chờ đón một làn sóng hạch tội Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới đây, một cuộc chiến chắc hẳn sẽ mang nhiều gay cấn.
Người Buôn Gió