Ai sẽ thay Tổng Trọng: Vì sao nếu ông Tô sẽ là một mối họa cho Việt nam?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vắng mặt trong hơn hai tuần qua. Việc này đã làm dấy lên những đồn đoán về tình trạng sức khỏe rất xấu, thậm chí “đã nguy kịch” của ông.

Trong giai đoạn cầm quyền của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điển hình của một kẻ ham hố quyền lực. Ông sẵn sàng ngồi xổm lên chính Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt nam, do ông làm Đảng trưởng, để ngồi liên tiếp 3 nhiệm kỳ Tổng Bí thư.

Nguyễn Phú Trọng – trên cương vị Tổng Bí thư – luôn tìm mọi cách để triệt hạ những “đồng chí” không cùng phe trong Đảng. Ông Trọng gọi họ là những kẻ ham hố hay tham vọng quyền lực, và ông dọa sẽ không cho phép họ vào Ban Chấp hành Trung ương. Những cái tên như Nguyễn Tấn Dũng, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc… là bằng chứng cụ thể.

Công luận đánh giá, chưa có thời kỳ nào mà tình trạng tranh giành, đấu đá quyền lực, mất đoàn kết nội bộ, lại nghiêm trọng như dưới thời Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.

Nội bộ Đảng Cộng sản đã bị chia rẽ, hình thành các phe nhóm theo vùng miền, theo nhóm lợi ích khác nhau, để tranh giành quyền lợi cũng như quyền lực.

Do tham vọng quyền lực quá lớn, không biết đủ, mặt khác, do Tổng Trọng đã gây quá nhiều thù, nên chuốc quá nhiều oán, bởi vậy, ông muốn ngồi mãi ghế ông trùm.

Đó là lý do, người ta nói rằng, Tổng Trọng sẽ chết trên ghế Tổng Bí thư. Bởi vì ông Trọng không dám nghỉ hưu. Nếu ông rời ghế, thì các đối thủ trong Đảng sẽ “phanh thây”, “uống máu” ông ngay lập tức. Lời tiên tri này đến hôm nay đã trở thành sự thật.

Cũng bởi ông Trọng không lường trước tình huống này, hoặc ông không còn đủ sức để thao túng nội bộ Đảng, mà nhân sự kế cận cho chiếc ghế Tổng Bí thư, đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời.

Thời điểm hiện nay, về nhân sự kế nhiệm chức Tổng Bí thư, một số ý kiến cho rằng, chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là người có kinh nghiệm, đủ quyền uy, phù hợp nhất để kế nhiệm.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị đánh giá là quá trẻ, thiếu kinh nghiệm. Còn Phạm Minh Chính hay Vương Đình Huệ thì đều không có điều “cần và đủ” như Tô Lâm, đó là “không có súng”.

Nhà báo Lê Văn Đoành, một cây bút chuyên về chuyện bí mật nội bộ cung đình Việt Nam, trong bài viết, “Ông Trọng: Đang trong tình trạng hôn mê sâu?”, tiết lộ:

“Nếu ông Trọng ra đi đột ngột, ai sẽ thay ông nắm vị trí đầu Đảng, là câu hỏi mà giới chóp bu và thượng tầng chính trị của Đảng đang đặt ra.

Vương Đình Huệ là cái tên được đích thân ông Nguyễn Phú Trọng giới thiệu quy hoạch chức danh Tổng Bí thư, khi đưa Huệ từ Phó Thủ tướng Chính phủ, sang thay Hoàng Trung Hải, “tráng men” ghế Bí thư Thành uỷ Hà Nội vào đầu năm 2020, để một năm sau đó, Huệ nắm ghế Chủ tịch Quốc hội.”

Nhận xét về cuộc chạy đua ngấm ngầm vào vị trí Tổng Bí thư, theo nhà báo, “còn có các nhân vật khác đầy tham vọng: Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng và Tô Lâm….

Trong “tứ trụ” hiện nay, ông nào cũng có “tì vết”. Vương Đình Huệ được cho là “say mê ca hát và gái gú”, thiếu chuẩn mực của một chính trị gia hàng đầu. Năm 2019, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vướng tin đồn tình ái với ca sĩ Hương Tràm. Phức tạp hơn, mạng xã hội cho rằng, Hương Tràm mang thai và sang Mỹ sinh con, mấy năm không về Việt Nam.”

Về khả năng vươn lên ngôi vị số 1 trong Đảng, đối với Phạm Minh Chính và Võ Văn Thưởng, nhà báo Lê Văn Đoành nhận xét:

“Phạm Minh Chính bị “seri đòn” bởi các vụ án xảy ra ở Quảng Ninh, và nhất là bê bối dính líu bà trùm AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Võ Văn Thưởng tương đối “sạch sẽ” hơn, nhưng điểm yếu là “non trẻ”, chưa đủ lão luyện để cầm đầu Đảng và không phải “người Bắc có lý luận”.”

Vẫn theo nhà báo Lê Văn Đoành, có một chi tiết đáng quan tâm, liên quan đến Võ Văn Thưởng. Theo đó, Thưởng được các lãnh tụ Cộng sản miền Nam như: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc… ngầm liên minh ủng hộ. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, hai ông Tư Sang, Ba Dũng kề vai, sát cánh bên nhau, thân mật trong một khuôn hình.

Nhà báo Lê Văn Đoành bình luận, “Tóm lại, rất nhiều kịch bản trên lý thuyết, còn thực tế thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 sẽ triệu tập phiên họp bất thường đặc biệt, để chọn người nắm vai trò Tổng Bí thư.”

“Tin cuối cùng, Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đang vận động để tranh ghế Tổng Bí thư, nếu như ông Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng.”

Việc các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay vẫn dựa vào Trung Quốc để nắm giữ và duy trì quyền lực, là điều phổ biến. Bài học Tổng Trọng lật ngược thế cờ một các ngoạn mục, trước Đại hội khoá 12, là một minh chứng.

Do đó, việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm được Ban lãnh đạo Bắc Kinh ủng hộ ngồi ghế Tổng Bí thư, là một khả năng. Như cố Phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch từng phát biểu trước đây, thì “Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3”.

Nghĩa là, chính quyền Việt Nam sẽ sắt máu và lệ thuộc vào Trung Quốc vạn lần hôm nay./.

Trà My – Thoibao.de

13.1.2024