Trọng “lú” băng hà: Sự thực hay tin đồn và ai sẽ thay thế ghế Tổng Bí thư?

Mạng xã hội đang dấy lên tin đồn, cho rằng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng – đang ở trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Trên trang Facebook cá nhân, một cựu Giám đốc của Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do, viết:

“Đồn đãi nghe được ở Mỹ:

Bác Cả vào nhà thương cả tuần rồi, bệnh tình khá nặng, phải đặt ống trợ thở. Ai biết tin rõ hơn, xin cho cả nhà biết với nhé”.

Nhà báo Phúc Lai từ Hà Nội, cách đây vài tiếng đồng hồ, cho biết, “Hôm qua có người hỏi “nhà mình sắp có đám hả bác?”; “Tôi biết đâu, chú nắm tình hình không biết, sao tôi biết”. Thế mà hôm nay cấm đường nhiều ghê, tắc lung tung cả.”

Còn nhà báo Pham T Thuc An-Ton của VOA cho hay, “Có tin các cơ quan đại diện Ngoại giao ở nước ngoài đã nhận được chỉ đạo chuẩn bị sổ tang”.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến bình luận khác nhau, đại ý cho rằng “ở tuổi ngót nghét 80, giá như ông Trọng biết nghỉ ngơi, sống với con cháu những năm cuối đời, thì hạnh phúc biết mấy”; hay “nếu tẩm bổ dưỡng sức, thì ông Trọng cũng sống thêm 5, 10 năm nữa. Nhưng vì tham công, tiếc việc, hay ham hố quyền lực quá mức, nhất là Tổng Bí thư đã có tiền sử “tai biến”, nên rất dễ bị tái lại.”

Giới thạo tin tiết lộ, “cụ bây giờ yếu quá, khó qua khỏi. Được biết là 1 số bộ phận đã có lệnh phải trực 24/24, hủy các lịch nghỉ cá nhân để lo cho cụ.

Dự báo là nếu cụ đi, sẽ có cuộc gặp kín của mấy vị đầu sỏ xếp lại bàn cờ, dẹp lò, công cuộc tham nhũng lại ổn định.”

Nói như vậy để thấy, “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tự nhiên, con người sinh ra, sau đó sẽ chết đi, chẳng có ai sống mãi được cả. Ngoại trừ ông Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam “bố trí” cho “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Vấn đề cần phải bàn, có lẽ là, trái ngược với các quốc gia dân chủ tiến bộ, khi các lãnh đạo hay chính khách do dân chúng bầu lên, có vấn đề về sức khỏe hay vấn đề về đời tư, thì đều được minh bạch, công khai cho dân chúng biết. Còn ở các quốc gia độc tài, phi dân chủ, thì sức khoẻ hay đời tư của các lãnh tụ thường được coi là bí mật quốc gia.

Như ở Việt Nam, Luật về Sức khỏe Lãnh đạo là bí mật nhà nước, được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2018, và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Sức khỏe của các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam vốn được giữ kín từ lâu, ví dụ như cái chết của ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1969, khi ông Hồ Chí Minh bị bệnh nặng, thông tin cũng được giữ kín. Ngay cả ngày ông Hồ Chí Minh thực sự qua đời, cũng là điều bí mật, người ta cũng giữ kín. Thậm chí còn sửa ngày mất lùi lại một ngày, sang 3/9, để tránh ngày Quốc khánh 2/9. Phải hàng chục năm sau, ngày qua đời “thật” của ông Hồ mới được công bố.

Ở Việt Nam, với lý do “sức khỏe của lãnh đạo là bí mật quốc gia”, cho nên, dân chúng không được tiếp xúc với những thông tin khả tín về sức khỏe, hay đời tư lãnh đạo. Các thông tin này, người dân được biết chủ yếu thông qua kênh “tin đồn” của “Thông tấn xã Vỉa hè”. Chắc chắn, những tin đồn này sẽ gây bất lợi hơn là thông tin chính thống, chính thức, bởi sẽ có nhiều dị bản. “Tin lành đồn xa, tin dữ đồn xa” là vậy.

Trong kỷ nguyên internet – thế giới phẳng, chuyện giữ kín những bí mật là điều cực khó khăn. Với mạng xã hội, chỉ một cái click, lập tức, thông tin sẽ được lan tỏa nhanh chóng.

Đó là lý do vì sao, người Việt Nam hiện nay biết được các hoạt động của lãnh đạo chủ chốt. Sự vắng mặt hoặc biến mất của họ, lập tức được loan tải cho cộng đồng.

Chuyện mắc “bệnh lạ” của các ông, Nguyễn Bá Thanh – cố Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Trần Đại Quang – cố Chủ tịch nước; là những ví dụ. Trong lúc, mạng xã hội cập nhật chính xác các diễn biến, thì truyền thông nhà nước lại ra sức bưng bít. Khi cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã bệnh rất nặng, thậm chí là đã mất, truyền thông nhà nước không chỉ im lặng, mà còn đưa tin giả. Báo chí đưa tin rằng, ông Nguyễn Bá Thanh vẫn ăn nguyên một tô cháo và nói “tau có chi mô!”. Rồi cũng sau đó ít lâu, nhà nước công bố rằng, ông Nguyễn Bá Thanh đã qua đời.

Liên quan đến tình trạng sức khoẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo giới quan sát, sẽ bắt đầu giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam mất đi trụ cột chính, nội bộ lãnh đạo Đảng sẽ quay ra cắn xé lẫn nhau.

Ai sẽ thay ông Trọng lèo lái “con thuyền nan ọp ẹp” của Đảng Cộng sản lúc này là một vấn đề nan giải, tại thời điểm diễn biến quốc tế hết sức phức tạp, nội bộ lại mâu thuẫn sâu sắc. Nhiều ý kiến cho rằng, người đủ sức cầm chịch lúc này, chỉ có Bộ trưởng Công an Tô Lâm là phù hợp.

Võ Văn Thưởng thì quá non nớt, chưa đủ độ chín; Phạm Minh Chính hay Vương Đình Huệ đều không đủ uy quyền, nhất là không có súng để giữ vững trật tự. Do đó, nếu không là Tô Lâm lúc này, Đảng Cộng sản sẽ tan rã.

Dù rằng, ai cũng biết, để cho Tô Lâm cầm chịch thì còn tham tàn, khát máu và bợ Tầu gấp vạn lần Nguyễn Phú Trọng./.

Trà My – Thoibao.de

12.1.2024