Sáng ngày 14/1, công trình nhà ga cáp treo tại Cảng Nha Trang, nằm trên tuyến đường ven biển sầm uất và cách trung tâm thành phố này khoảng 4km, bất ngờ bị sụp đổ. Thông tin nóng hổi này đã được các tờ báo lớn như: VNExpress, Tiền Phong, Dân Trí, Phụ Nữ Việt Nam… loan báo.
Tuy nhiên, không bao lâu sau, tin về sự vụ này nhanh chóng bị gỡ bài. Và thông tin sau đó được xác nhận rằng, đây là công trình của Tập đoàn VinGroup.
Hình ảnh trước khi đổ sập cho thấy, tháp chuông này đang thi công hoàn thiện phần mái, nghĩa là, phần thân (tức kết cấu chịu lực) đã hoàn thành.
Một công trình đã thi công xong phần thô, thì được xem là đã hoàn thành phần kết cấu. Còn phần hoàn thiện chỉ là trang trí cho công trình có thẩm mĩ và đáp ứng công năng sử dụng.
Cầu Cần Thơ cũng từng bị sập và gây thiệt hại nặng về người và của. Tuy nhiên, cầu Cần Thơ sập khi đang thi công phần kết cấu. Khi đó, bê tông chưa đông cứng, chưa đủ khả năng chịu lực, nhưng nhà thầu muốn đẩy nhanh tiến độ nên thi công vội, khiến dàn giáo không chống đỡ nổi. Đây chỉ là sai phạm trong biện pháp thi công, không phải sai phạm trong thiết kế.
Còn công trình tòa tháp của nhà ga ở Nha Trang bị sập, khi phần kết cấu đã hoàn thành, bê tông đã đông cứng và được xem là đủ sức chịu lực. Đây là sự cố do sai phạm nghiêm trọng, có thể do thiết kế, có thể do thi công không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng có thể do chất lượng nguyên vật liệu.
Một công trình không đủ khả năng chịu được sức nặng của chính nó, thì trước sau gì cũng sập. Nếu sập khi đã đi vào vận hành, có thể sẽ có nhiều người chết.
Với công trình kém chất lượng như vậy, thì liệu phần còn lại có bị sập hay không, đấy là câu hỏi to tướng. Không rõ, tòa tháp bị sập và phần còn lại có liền khối hay không, hay độc lập với nhau?
Nếu liền khối thì cần phá bỏ hết để làm lại. Nếu độc lập thì cần kiểm tra lỹ lưỡng phần còn lại, xem có đảm bảo chất lượng hay không? Phải xem xét kỹ, xem phần tháp sập xuống có tác động đến phần còn lại hay không? Và liệu, phần còn lại có do cùng một nhà thiết kế và cùng một nhà thi công với tòa tháp hay không?
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và đang bị bỏ ngỏ.
Trong khi những thắc mắc không có lời giải, thì ông Phạm Nhật Vượng lại vội vàng bịt hoàn toàn báo chí. Vì vậy, xã hội hoàn toàn không biết ông xử lý vấn đề này như thế nào? Ông có cho phá bỏ hết để xây lại không? Hay ông vẫn sử dụng phần còn lại để lắp đặt cáp treo? Nếu ông Vượng không có mưu đồ gì sai trái, tại sao ông phải ém thông tin?
Người dân Việt Nam rồi cũng sẽ quên sự cố này, bởi ông Vượng đã kịp thời bịt miệng báo chí, không cho thông tin lan tỏa. Rồi cũng sẽ có người dân, du khách, mua vé và sử dụng công trình này. Nếu có một ngày, khi dân đang lơ lửng trên cáp treo, thì nhà ga lại sập xuống, lúc đó ai sẽ đền mạng cho dân?
Theo đúng luật, Sở Xây dựng Khánh Hòa hoặc Bộ Xây dựng phải thẩm định thiết kế, và kiểm tra, giám sát thi công. Khi công trình bị sập thì những cơ quan này cũng có một phần trách nhiệm.
Câu hỏi đặt ra là, các cơ quan chức năng trên có thực sự làm đúng chức năng của mình hay không? Hay lại nhắm mắt ăn tiền, rồi đặt bút ký cho qua, để nó tồn tại và gặp sự cố?
Sự cố công trình không phải là chuyện hy hữu, khắp nơi trên thế giới, đây đó cũng có những sự cố sập công trình. Tuy nhiên, trách nhiệm các bên là phải thanh tra, kiểm tra phần còn lại, sao cho có đầy đủ thông tin, rồi mới quyết định cho thực hiện tiếp hay cho phá dỡ toàn bộ? Tất cả đều phải minh bạch và có trách nhiệm.
Còn cứ bưng bít thông tin theo kiểu của Đảng Cộng sản và VinGroup, thì xem ra, Phạm Nhật Vượng đang muốn treo mạng sống của dân trên các sợi cáp tử thần thực sự.
Ý Nhi – Thoibao.de
15.1.2024