Vì sao bắt Nguyễn Công Khế lúc này và sự trỗi dậy của phe Cộng sản Miền Nam?

Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế là một nhân vật nổi tiếng trong giới báo chí Việt Nam. Ông Khế là một người có mối quan hệ rộng rãi với giới chức lãnh đạo ở cấp thượng tầng chính trị Việt Nam.

Câu hỏi mà dư luận Việt Nam hiện nay rất quan tâm, đó là: “Vì sao lại bắt Nguyễn Công Khế vào thời điểm này, trong khi, các sai phạm của ông Khế liên quan khu đất 151 – 155 Bến Vân Đồn, đã xảy ra từ năm 2008, tức là từ hơn 15 năm trước?”

Theo giới phân tích, hiện nay là thời điểm hết sức “nhạy cảm” tại chính trường Việt Nam, với những diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết. Sau Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, thế và lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sụt giảm hơn bao giờ hết. Nhất là trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương này, Tổng Bí thư Trọng đã tuyên bố sẽ “rửa tay, gác kiếm”, để chuyển giao quyền lực cho người khác kế nhiệm.

Sau tuyên bố trên, lập tức, trong nội bộ Đảng Công sản Việt Nam, đã xuất hiện tình trạng kéo bè, kết cánh, để chạy đua vào danh sách nhân sự chủ chốt của Đại hội 14. Những việc này lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi có đồn đoán rằng, ông Nguyễn Phú Trọng mắc trọng bệnh.

Blogger Anh Ba Sàm cho rằng, “Việt Nam “sẽ rơi vào khoảng trống quyền lực”, kích hoạt cuộc đua tìm người chấp chính. “Hoàn cảnh rất nhạy cảm phù hợp với mong muốn của nhiều người loan tin đồn”.

Một phân tích khác đáng quan tâm, liên quan đến tương quan quyền lực giữa phe Cộng sản miền Bắc và Cộng sản miền Nam – những người vốn bị lép vế trong nhân sự “tứ trụ” những năm gần đây. Kể từ sau Đại hội 12, cơ cấu nhân sự vùng miền theo truyền thống đã bị loại bỏ, thay bằng “ý muốn” của Tổng Trọng, và lãnh đạo chủ chốt người miền Nam hầu như không còn nữa.

Hơn nữa, ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam? Khi các ứng viên gồm: Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng và Tô Lâm. Giới phân tích cho rằng, các ông Chính, Huệ và Lâm không có đủ uy tín trong Đảng, để có thể đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư; còn ông Võ Văn Thưởng thì quá trẻ, chưa đủ kinh nghiệm và uy tín.

Trước kỳ Đại hội Đảng, một hoặc hai ứng viên sẽ được giới thiệu. Đó sẽ là ai? Xem ra không có ai có đủ uy tín, cả trong Đảng và cả đối với dân.

Có chăng, chỉ có thể là các cựu lãnh đạo miền Nam, với những cái tên như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết. Do họ không tham chính đã lâu, nên họ vẫn còn uy tín nhất định.

Theo giới thạo tin, gần đây, phe Cộng sản miền Nam đang vận động, yêu cầu Tổng Bí thư và Bộ Chính trị phải viết lại luật chơi cho bộ máy lãnh đạo trong Đảng. Trong bài viết, Ông Nguyễn Phú Trọng đang bị hôn mê? đăng trên báo Tiếng Dân mới đây, tác giả Lê Văn Đoành tiết lộ:

“Ngày 19/8/2023, trong Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người ta nhận thấy, các “nguyên lão” phía Nam tụ tập, gồm: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc… như ngầm liên minh ủng hộ Võ Văn Thưởng lên A1 tại Đại hội 14. Đặc biệt, lần đầu tiên, hai ông Tư Sang, Ba Dũng kề vai, sát cánh bên nhau, thân mật trong một khuôn hình.”

Trong lúc, nhiều ý kiến cho rằng, những điều kể trên có liên quan trực tiếp đến việc, cựu Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế bất ngờ bị khởi tố, bắt giam, vì một vụ án đã xảy ra cách đây 15 năm.

Giới thạo tin thì cho rằng, một khi những trụ cột chống lưng cho Nguyễn Công Khế đã hết quyền lực, thì ông Khế như một quả chanh đã bị vắt hết nước, người ta đem ném vào sọt rác là lẽ thường.

Nhưng mọi việc có vẻ không đơn giản như vậy, mới đây, trong bài viết với tựa đề Bắt Nguyễn Công Khế để làm gì?”, của tác giả, nhà báo Nguyễn Huy Vũ, đã đưa ra các đánh giá và nhận xét đáng chú ý. Theo tác giả:

– Việc bắt Nguyễn Công Khế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho phe bắt Khế. Thông qua Khế, họ moi được những thông tin có giá trị, và từ đó, họ sẽ khống chế các chính trị gia phía Nam. Bởi vì, bắt Nguyễn Công Khế có nhiệm vụ chính là khai thác thông tin, đồng thời tìm cách khống chế quyền lực của phe Cộng sản miền Nam đang muốn trỗi dậy.

– Với vai trò là Tổng Biên tập báo Thanh Niên trong một thời gian dài, Nguyễn Công Khế là một mắt xích trung tâm quan trọng của phe quyền lực ở miền Nam. Khế nghiễm nhiên trở thành một trung tâm thông tin và nối kết quyền lực ở phía Nam. Như các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, hay giới lãnh đạo ở Sài Gòn, đều ít nhiều có mối liên hệ với Khế.

Tóm lại, có rất nhiều những ý kiến đánh giá khác nhau về vụ bắt giữ ông Nguyễn Công Khế.

Được biết, tới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 sẽ triệu tập phiên họp Hội nghị Trung ương bất thường, đặc biệt, để bàn về nhân sự Tổng Bí thư, thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng, trước khi kết thúc nhiệm kỳ Đại hội 13.

Chúng ta hãy chờ xem./.

Trà My – Thoibao.de

18.1.2024