“Bán nước” từng phần, giao kinh tế rồi giao chính trị. Hà Nội đi đầu?

Trước đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đẻ ra cái gọi là “thuộc địa kiểu mới”, để ám chỉ việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam, mặc dù Mỹ không hề xâm chiếm một tấc đất nào của Việt Nam. Họ định nghĩa “thuộc địa kiểu cũ” là kiểu thuộc địa mà Pháp đã thực hiện ở Việt Nam. Định nghĩa tự chế này của Đảng Cộng sản đã đánh lừa không biết bao nhiêu thế hệ. Vì cách tuyên truyền này mà không biết bao nhiêu người đã hy sinh cho Đảng, lại cứ nghĩ là mình “chống Mỹ cứu nước”. Thực ra, chỉ có chống Cộng sản mới cứu nước khỏi nguy cơ đói nghèo, mất tự do, và cả nguy cơ bị Hán hóa.

Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ khăng khít với Trung Quốc một cách bất thường. Về kinh tế, bất kể sự phản đối của dư luận, Đảng Cộng sản vẫn để cho bàn tay Trung Quốc ngày một thọc sâu vào Việt Nam, khiến doanh nghiệp Việt lớn không nổi. Đáng ngại nhất là nhiều dự án đầu tư công của Việt Nam, Trung Quốc được dọn cỗ để nhảy vào thực hiện, bất chấp những hậu quả mà nó để lại.

Còn về chính trị, có thể nói, từ sau chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh hồi năm 2017, kế hoạch Hán hóa đội ngũ lãnh đạo kế thừa, đang từng bước thực hiện.

Ngày 18/1, ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội – đã chủ trì buổi lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác, nghiên cứu đầu tư một số dự án xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến metro số 5, dài 39km, từ phố Văn Cao đến Hòa Lạc, giữa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Tổng đầu tư dự án này lên đến 65 tỷ đô la Mỹ. Điều đáng nói là, dự án chưa được duyệt vốn, nhưng chính quyền thành phố đã chọn đối tác thực hiện dự án. Xem ra, sẽ không có đấu thầu công bằng.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một vết đen, ban đầu có tổng đầu tư được phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó, vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Theo dự kiến ban đầu thì năm 2013 vận hành dự án.

Tám năm sau, năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD. Ngoài ra, nhà thầu Trung Quốc còn chậm tiến độ đến 10 lần.

Không chỉ riêng chính quyền Cộng sản mới xảy ra chuyện quyết định sai lầm, mà các nước tiến bộ cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, ở các nước dân chủ, một khi quyết định sai thì họ sửa rốt ráo, dứt điểm. Trong khi đó, chính quyền Cộng sản Việt Nam thì lặp đi lặp lại cái sai nhiều lần. Đây không phải là hành động cố tình phá hoại đất nước thì còn gì?

Việc ưu tiên cho Trung Quốc làm dự án hạ tầng, và việc chính quyền vẫn dẫm chân lên cái sai cũ, thì có vẻ như, chính quyền Hà Nội không có quyền trong quyết định của mình vậy.

Thị trường nguyên liệu, thị trường hàng hóa Việt Nam đã phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, giờ đây, dự án hạ tầng lại tiếp tục đưa vào tay Trung Quốc bất chấp hậu quả, thì có thể nói, nền kinh tế Việt Nam đang nằm gọn trong bàn tay của ông “bạn vàng phương Bắc”. Nhất là, các gói vay hạ tầng rất dễ bị dính bẫy nợ của Bắc Kinh.

Tháng 9 năm ngoái, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành Ủy Hà Nội – sang Trung Quốc để dự lễ bế giảng lớp đào tạo cán bộ nguồn của thành phố. Số cán bộ này được Hà Nội cử sang Đại học Bách khoa Hoa Nam để đào tạo một khóa ngắn ngày.

Hà Nội đang là đơn vị đi đầu trong vấn đề Hán hóa cán bộ nguồn. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã ký vào năm 2017. Trong đó, ông Trọng giao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đào tạo cán bộ nguồn của Việt Nam.

Hán hóa nền kinh tế, Hán hóa nhân sự Đảng và Hán hóa mô hình chính trị. Vậy thì, không phải “bán nước từng phần” thì là gì đây?

Ý Nhi – Thoibao.de

20.1.2024