Ai sẽ là người kế nhiệm Tổng Bí thư để tiếp tục công cuộc “đốt lò”?

Ngày 1/4, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của Doãn An Nhiên với tựa đề “Tìm người kế vị Tổng Bí thư Đảng đang bị mắc kẹt trong “cái bẫy tham nhũng”?”

Tác giả nhận định, tham nhũng mang tính hệ thống và ngày càng nghiêm trọng, nay vấn nạn đã lên đến “vùng cấm”, thách thức sự tồn vong chế độ tập quyền cao dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là hệ quả của cái gọi là nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan, nghĩa là sự chấp nhận tham nhũng để tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính chính danh cho chế độ.

Theo tác giả, để cân bằng trạng thái này, Tổng Trọng đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, đồng thời vẫn thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng chính sách chống tham nhũng đã mắc kẹt trong tình trạng tham nhũng cao – một “cái bẫy tham nhũng”. Đó là sự thỏa thuận ngầm (như che giấu, giảm nhẹ…) giữa nhóm các quan chức nhất định, chẳng hạn cấp cao nhất, về hành vi tham nhũng của họ vì mục đích riêng.

Tác giả cho hay, nay Tổng Bí thư đã 80 tuổi, ngoài ra vì lý do sức khoẻ, sự kế vị ông đang được ra đặt ra. Tuy nhiên, liệu ứng viên nào “cần và đủ” để cân bằng trạng thái tham nhũng chính trị hiện nay? Điều này đang thách thức nguyên tắc tập thể lãnh đạo mang tính truyền thống của Đảng?

Tác giả đánh giá, sự kiện ông Thưởng bị “phế truất” bất ngờ, đã gây nhiều suy đoán. Trước hết, quyền lực của ông Trọng liệu đã suy giảm, rằng, ông ấy đã bị “tiếm quyền”, bởi “những người giúp ông làm trong sạch bộ máy Đảng”. Và, hậu quả là, “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát” của ông. Hai là, cuộc chiến kế vị Tổng Bí thư trong Đảng đã bắt đầu, và, người người kế vị Tổng Bí thư cho nhiệm kỳ Đại hội 14, không phải để cân bằng trạng thái tham nhũng cao, mà sẽ có thay đổi. Một giả thuyết rằng, có thể, nhân vật “nặng ký” nhất trong trò chơi vương quyền sẽ thay thế, thậm chí có thể kiêm nhiệm cả 2 chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Bởi, với quyền lực tuyệt đối thì những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai sẽ không “động” đến ông ấy…

Tác giả bình luận, giới phân tích chính trị quan ngại về sự xáo trộn như trên về nhân sự “vùng cấm”, có thể gây bất ổn. Khi sự thỏa thuận để cân bằng trạng thái “tham nhũng chính trị” bị phá vỡ, có thể khơi mào cuộc chiến quyền lực căng thẳng trong nội bộ. Vấn đề bây giờ là, ai sẽ nắm thực quyền, chứ không phải người “đại diện” cho các phe phái.

Tác giả nhận xét, hoạt động “trấn an” quốc tế khá ồn ào kiểu “ngoại giao cây tre” đến 2 cường quốc kinh tế đối nghịch về ý thức hệ. Trong hai ngày 18 và 19/3, tại Cát Lâm, Trung Quốc, ông Lê Hoài Trung – Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã “trao đổi” với người đồng cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó, hôm 25/3, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã “hội đàm” tại Washington với Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Sơn nói: “Tôi nghĩ, việc Chủ tịch nước từ chức ở Việt Nam không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của chúng tôi”…

Vẫn theo tác giả, ngày 13/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiêm Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban này, với sự tham dự đầy đủ của “Tứ trụ”. Tại đây, ông Trọng tiếp tục điệp khúc: “không để lọt vào Trung ương khóa 14 người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc”.

Tác giả cho hay, công luận băn khoăn, liệu đây có phải là lời phát biểu “cuối cùng” của một biểu tượng dám giương ngọn cờ chống tham nhũng? Và, ai sẽ là người kế vị Tổng Bí thư, để tiếp tục chiến dịch đốt lò do ông ấy phát động?

 

Hoàng Anh – thoibao.de