Bị khui “vết loét”, Tô Chủ tịch “điên cuồng” chống trả

Ngày 10/7, báo chí nhà nước thông báo, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, bị khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc; đồng thời tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Đại biểu Quốc hội, theo đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Theo thông báo của phía chính quyền, vụ án của ông Vân có liên quan đến ông Lưu Bình Nhưỡng. Hồi giữa tháng 11/2023, ông Nhưỡng đã bị bắt với lý do không thuyết phục. Bởi ông bị kết tội “Cưỡng đoạt tài sản”, mà với một Đại biểu Quốc hội không có thực quyền, là thế nào để “cưỡng đoạt” được ai?

Theo một số nhà phân tích, vụ án ông Lê Thanh Vân khá giống với vụ án ông Lưu Bình Nhưỡng. Đấy là việc cơ quan tố tụng kết tội 2 ông này một cách mơ hồ. Cả 2 ông đều có điểm chung là thường xoáy thật sâu vào những tiêu cực xã hội, đặc biệt là vấn đề tư pháp Việt Nam. Cả 2 đều đã có nhiều chất vấn đanh thép, về nhiều sự việc từng gây xôn xao dư luận, như vụ Đồng Tâm, vụ hoãn Luật Đặc khu, việc bỏ phiếu tín nhiệm, tổ chức bộ máy cán bộ hay như tố cáo hành vi vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông…

Năm 2017, ông Vân từng chất vấn Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn, về vụ Mobifone mua AVG – vụ án mà Tô Lâm có liên quan, đến nhưng sau đó được ém chìm xuồng.

Những ngày gần đây, báo chí tự do được những nguồn tin nội bộ cung cấp, đã thổi bùng vụ Mobifone mua AVG, và những chi tiết liên quan đến Chủ tịch nước Tô Lâm. Đây được cho là đòn đánh trả của phe Nguyễn Phú Trọng, nhằm chống lại vụ Ciputra mà Tô Lâm cho khui trở lại.

Với binh quyền trong tay, Tô Lâm đánh vào tất cả những ai làm cho ung nhọt của ông bị lộ ra ngoài. Tô Lâm không thể tấn công vào báo chí tự do, thì ông tìm cách tấn công vào những người khác – những người dám bêu vết chàm của ông ra trước Quốc hội.

Ngay cả giới chuyên cung cấp tin tức nội bộ cũng đánh giá, Tô Lâm là con người vừa thù dai, vừa thù vặt. Bằng chứng là trước đây, ông Bùi Tuấn Lâm, tức Peter Lâm Bùi, dùng hành động rắc hành để nhại lại hình ảnh thánh rắc muối Salt Bae, cũng bị Tô Lâm “trả thù”. Vụ việc của ông Bùi Tuấn Lâm khiến cho người dân nhận thức rõ sự tương phản, giữa một ông Bộ trưởng Bộ Công an ăn uống xa hoa, và người dân khốn khó gồng mình chống dịch.

Tuy lý do để công an bắt ông Lâm Bùi không phải vì nhại Salt Bae, nhưng ai cũng hiểu, Tô Lâm đã dùng quyền lực từ ngành công an để trả thù cá nhân. Bản chất này không thể giấu được những cặp mắt tinh tường của người dân trên cả nước.

Hiện nay, thế lực Tô Lâm đang rất mạnh, quyền lực của Tô Lâm đang rất lớn. Cứ sau mỗi trận đấu sinh tử với các đối thủ trong Bộ Chính trị, thì Tô Lâm lại càng mạnh hơn. Mà khi Tô Lâm càng mạnh, ông càng tỏ ra nguy hiểm. Khi chịu sự điều khiển của ông Tổng, Tô Lâm chấp nhận những quy trình thanh lọc do ông Tổng đưa ra. Nhưng khi không còn chịu sự điều khiển của bất kỳ ai, Tô Lâm đã thể hiện sự lộng hành, muốn bắt ai thì bắt, và bắt bất cứ lúc nào ông muốn.

Từ khi Tô Lâm nổi lên như một thế lực mới, ông áp dụng chế độ “Công an trị”, không những với toàn dân mà còn với quan chức chính quyền các cấp. Bất kỳ ai từng theo phe khác chống lại ông, hoặc bất kỳ ai làm cho ông thấy không ưa, thì hiện nay đang gặp nguy hiểm.

Giờ đây, cả những đồ đệ đang nấp dưới trướng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều không còn an toàn, chứ nói gì đến một Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhỏ bé?

 

Thái Hà – Thoibao.de