Hội nghị Trung ương 10 của Đảng sẽ bàn nhân sự cho Đại hội 14

Ngày 9/7, BBC Tiếng Việt bình luận “Hội nghị Trung ương Đảng 10: Bàn về nhân sự Đại hội 14, có gì chú ý?”

Theo đó, Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 dự kiến diễn ra vào tháng 10, sẽ bàn phương hướng công tác nhân sự cho Đại hội 14.

BBC nhắc lại việc ông Trọng luôn nhấn mạnh, công tác nhân sự được coi là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và “liên quan đến vận mệnh của Đảng, và tiền đồ phát triển của đất nước”.

Thế nhưng, BBC đề cập đến việc, Bộ Chính trị khóa 13 – nhóm những nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống Đảng – đến nay đã có tới 7 người “xin thôi” vì mắc điểm.

Điều này đã đặt ra những nghi vấn về công tác nhân sự do vị Tổng Bí thư dẫn dắt.

BBC dẫn bình luận của Giáo sư Carl Thayer:

“Việc mất 7 ủy viên Bộ Chính trị là dấu hiệu cho thấy, ưu tiên xây dựng Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sụt giảm, bởi chiến dịch chống tham nhũng, và các hiện tượng tiêu cực trong Đảng.”

“Ba nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông, quá trình lựa chọn nhằm xác định và chọn lọc các lãnh đạo “hồng, chuyên và sạch” đã thất bại.”

“Việt Nam đang đối mặt với một hoàn cảnh chưa từng có. Hiện chỉ còn hai ủy viên Bộ Chính trị có thể làm trọn một nhiệm kỳ 5 năm và đủ điều kiện về tuổi để tái ứng cử, tức dưới 65 tuổi (tuổi nghỉ hưu bắt buộc) khi Đại hội 14 diễn ra. Đó là Trần Thanh Mẫn và Trần Cẩm Tú.”

Với tình hình nhân sự hiện tại, Giáo sư Thayer đánh giá rằng, việc chuyển giao quyền lực đã trở nên cứng nhắc, ngay cả trong thời điểm tốt nhất:

“Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương sẽ phải đề xuất nhiều trường hợp ngoại lệ hơn về độ tuổi, hoặc thay đổi các quy tắc, quy định, để kéo dài tuổi nghỉ hưu hơn, thì mới có thể lấp đầy tất cả các ghế trong một Bộ Chính trị mới.”

BBC cho biết, theo Điều lệ Đảng, số lượng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, là do Ban Chấp hành Trung ương mỗi khóa quyết định. Do đó, chưa rõ Bộ Chính trị khóa 14 sẽ có quy mô như thế nào.

Tuy nhiên, Giáo sư Thayer dự đoán rằng, có vẻ, Bộ Chính trị sẽ có số lượng lớn những gương mặt mới hoàn toàn, so với thông thường, “chưa kể đến khả năng sẽ có một Tổng Bí thư mới”.

BBC cũng cho biết, cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 là vào tháng 3/2024, do Tổng Trọng – người đứng đầu tiểu ban – chủ trì.

Ông Trọng cho biết rằng, các kỳ đại hội Đảng thường có nhiều nội dung, nhưng có 2 vấn đề quan trọng nhất, là “văn kiện và công tác nhân sự” và ông là người đứng đầu cả 2 tiểu ban này cho Đại hội Đảng 14.

BBC dẫn lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, cho biết:

“Ông Trọng có thể giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư… và các ủy viên khác của tiểu ban cũng có quyền giới thiệu, lựa chọn, và tất cả cùng đánh giá.”

“Cuối cùng, Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự, gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước, cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể.”

BBC dẫn nhận định của một nhà quan sát khác, cho rằng, Tiểu ban Nhân sự “là cửa soát vé quan trọng nhất của Trung ương về vấn đề nhân sự, trước mỗi kỳ đại hội”.

BBC lưu ý, Tổng Trọng cũng là người cầm trịch Tiểu ban Nhân sự của Đại hội 12, 13. Thực tế, khóa 12 và 13 có có tổng cộng tới 10 ủy viên Bộ Chính trị bị “xử lý”, nhiều ủy viên Trung ương Đảng phải đi tù.

BBC cũng dẫn chỉ đạo của ông Trọng gửi tới Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương vào ngày 4/7, gợi ý rằng, chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp diễn, với mức độ quyết liệt không giảm.

 

Xuân Hưng – thoibao.de