Yếu tố “hồng” và “chuyên” trong Bộ Chính trị

Ngày 5/7, BBC Tiếng Việt bình luận “Việt Nam: Bộ Chính trị và vấn đề “hồng” hơn “chuyên”’.

Theo đó, sau khi ông Đinh Tiến Dũng ra đi, Bộ Chính trị càng trở nên “hồng” hơn “chuyên”. Theo nhiều nhà phân tích, điều này phản ánh nỗi lo của Đảng.

BBC dẫn đánh giá của Tiến sĩ khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, cho rằng, Bộ Chính trị khóa 13 hiện chỉ có ông Lê Minh Hưng, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, được coi là nhà kỹ trị.

Trong khi đầu khóa, theo ông Giang, con số này là 5 người, nhưng đều đã “xin thôi”, gồm: Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh, Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng.

Trong khi đó, Bộ Chính trị khóa 12 có tới 7 người được cho là nhà kỹ trị.

Tiến sĩ Giang viết: “Đây là tỷ lệ kỹ trị thấp nhất trong Bộ Chính trị, kể từ năm 1997. Đảng thường tuân thủ nguyên tắc “vừa hồng vừa chuyên”… [Nay] tầm quan trọng này hiện đã lệch hẳn sang vế đầu.”

Tiến sĩ Giang chỉ ra rằng, chất kỹ trị ngày càng suy giảm của các nhà lãnh đạo hàng đầu làm “dấy lên mối lo ngại về khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức nhiều mặt, từ các vấn đề kinh tế đến chuyển đổi năng lượng và chính sách đối ngoại”.

Theo ông Giang, điều này củng cố niềm tin rằng: Trong bối cảnh không chắc chắn của chiến dịch chống tham nhũng, sẽ khôn ngoan hơn, nếu các quan chức giữ an toàn, bằng cách làm ít hơn để tồn tại, thay vì chấp nhận rủi ro. Thực tế này khó mà khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm” để giải quyết tình trạng tê liệt quan liêu hiện nay.

BBC dẫn bình luận của Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, cho rằng, để hiểu thấu đáo thì cần làm rõ sự khác biệt giữa người có chuyên môn về lĩnh vực nào đó, so với nhà kỹ trị.

Giáo sư Thayer nêu trường hợp của Thủ tướng Phạm Minh Chính:

“Khi ông Chính được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào năm 2016, đã có nhiều lời chỉ trích rằng, ông thiếu kiến ​​thức chuyên môn về kinh tế.”

“Theo quan sát của tôi lúc đó, có lẽ, ông ấy rất giỏi lắng nghe tư vấn chuyên môn và giỏi về mặt quản lý.”

Đồng thời, ông Thayer cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc xét đến các thành viên của Chính phủ, vì ông cho rằng, trình độ của các bộ trưởng hiện nay là “nguồn chuyên môn kỹ thuật chính để lãnh đạo Việt Nam”.

Về yếu tố “hồng” của giới lãnh đạo, BBC dẫn nhận định của một số nhà quan sát, cho rằng, do công tác nhân sự mà ông Trọng dẫn dắt đã thất bại, nên ngay cả yếu tố “hồng” cũng không được đảm bảo.

Từ đầu khóa tới nay, Bộ Chính trị đã mất 7 ủy viên, trong đó, có 5 người mất chức trong năm 2024.

Trong số những nhân vật lớn mất chức, có những người suốt sự nghiệp chỉ làm công tác Đảng, có thể coi là “hồng của hồng”, “hồng hơn cả hồng”, như ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai.

BBC dẫn lại nhận định trước đây của Giáo sư Carl Thayer, rằng, việc nhiều ủy viên Bộ Chính trị, có cả “Tứ Trụ”, bị mất chức, và các ủy viên Trung ương Đảng chịu tù tội, cho thấy “công tác nhân sự rất yếu kém”.

Trong khi đó, BBC cho biết, công tác nhân sự luôn được ông Trọng nhấn mạnh là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và “liên quan đến vận mệnh của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước”.

Việc có quá nhiều cán bộ “cấp Trung ương quản lý” bị kỷ luật, bị truy tố… khiến Tổng Trọng càng nhấn mạnh yếu tố “hồng” trong công tác nhân sự, thể hiện qua 3 trong số 4 người vừa được bổ sung vào Bộ Chính trị. Đó là Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Abuza, rằng, 3 người này đều không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, hay trong lĩnh vực kinh tế, cho thấy, “Đảng đang thực sự quan ngại về công tác huy động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng”.

 

Thu Phương – thoibao.de