Đầu tháng 6/2022, ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế, bị bắt cùng với ông Chu Ngọc Anh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội lúc đó. Trước khi bắt ông Nguyễn Thanh Long, ông Tô Lâm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) càn quét khắp 63 tỉnh thành trong cả nước, tóm rất nhiều giám đốc trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC của các tỉnh. Có nơi bắt luôn giám đốc sở y tế, và có nơi bắt luôn lãnh đạo tỉnh.
Sau những vụ càn quét này, hệ thống y tế công trên toàn quốc rơi vào tình cảnh thiếu thuốc nghiêm trọng. Hầu hết các bệnh viện không dám thực hiện công tác đấu thầu thuốc, vì sợ bị dính sai phạm. Lãnh đạo các bệnh viện sợ quân Tô Lâm như sợ “cướp”, bởi trong nhiều trường hợp, cán bộ y tế cho rằng, họ làm đúng mà vẫn bị bắt. Nguyên nhân là luật không rõ ràng, muốn giải thích theo nghĩa nào cũng được. Trong khi đó, công an lại muốn lái sự việc theo hướng sai luật để ra tay “đồ sát”, nên chẳng ai dám làm gì. Cuối cùng, người chịu thiệt hại nặng nề nhất là chính là bệnh nhân trên cả nước. Bệnh nhân chết vì thiếu thuốc, hoặc dùng thuốc kém chất lượng, rất nhiều không thể thống kê được.
Sau khi bà Đào Hồng Lan về làm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà đã mời ông Chính họp liên ngành để bàn cách tháo gỡ. Trong đó có việc điều chỉnh luật và kết hợp với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các hướng giải quyết vẫn bế tắc, bởi luật quy định là chuyện của người làm luật, còn quân của Tô Lâm thì chỉ làm theo lệnh của Tô Lâm, chứ không theo luật.
Nói chung, trong Chính phủ, ông Chính không thể điều khiển được Tô Lâm để thực hiện việc đồng bộ chính sách. Và kết quả, sau 2 năm họp bàn tháo gỡ, đến nay, bệnh viện vẫn thiếu thuốc nghiêm trọng.
Ngày 31/3, báo Người Lao Động có bài “Vì sao nhiều bệnh viện vẫn thiếu thuốc, vật tư?” Bài báo chỉ ra nguyên nhân là Luật Đấu thầu, dù đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều này khiến các cơ sở y tế gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Luật Đấu thầu mới là kết quả tháo gỡ của ông Phạm Minh Chính với bà Đào Hồng Lan trước đó, nhưng tại sao các nơi vẫn cứ e dè, không dám thực hiện? Nguyên nhân là họ sợ nanh vuốt của Tô Lâm, có thể ập xuống đầu họ bất kỳ lúc nào. Họ đợi thông tư hướng dẫn để làm cái phao, nếu bị quân Tô Lâm hốt, thì họ có cơ sở để biện minh.
Bộ Công an được Trung ương rót cho trên dưới 100 ngàn tỷ đồng mỗi năm, trong khi đó, Bộ Y tế chưa tới 7 ngàn tỷ đồng. Ngành y tế không được coi trọng trong chế độ này, đã vậy, Tô Lâm còn ngày đêm cho quân rình mò, khiến cả ngành này tê liệt. Dân chết mặc dân, quan chức đã có tiền tham nhũng để đi sang các nước tư bản chữa bệnh, nên họ không quan tâm.
Nhiệm vụ lớn nhất của Phạm Minh Chính là phải điều hành sao cho các bộ phối hợp với nhau, để cho các chính sách được thực hiện thông suốt. Theo lý thuyết thì các bộ trưởng là thuộc cấp của Thủ tướng. Tuy nhiên, với Bộ Công an lại khác. Họ không phải là “dễ bảo” đối với ông Thủ tướng. Lâu nay, Tô Lâm vẫn thực hiện theo lệnh của Tổng Bí thư, chứ không phải Thủ tướng.
Đến nay, thậm chí, Tô Lâm không còn nghe lệnh của Tổng Bí thư nữa. Ông tự ý hành động theo ý mình, bởi ông đã ra mặt “tạo phản”.
Nếu thực hiện đồng bộ chính sách theo chỉ đạo của ông Thủ tướng, thì công lao Thủ tướng hưởng hết, đời nào Tô Lâm chịu nghe? Cho nên, Tô Lâm cứ rình bắt người khiến ngành y tế tiếp tục bị nghẽn. Vì vậy, Tô Lâm có được một lợi thế trên bàn cờ chính trị, bởi Thủ tướng đã mất điểm trong Bộ Chính trị vì điều hành chính sách không hiệu quả.
Ở thượng tầng, Tô Lâm kịch chiến với Phạm Minh Chính. Ở dưới, dân đen chết như ngả rạ vì thiếu thuốc chữa bệnh. Thật đáng thương cho dân Việt Nam, khi phải làm công dân dưới một chế độ mà quan chức chỉ biết tư lợi và đấu đá giành giật quyền lợi và quyền lực.
Hoàng Anh – Thoibao.de