Sau kỳ họp Quốc hội, Tô Lâm sẽ chính thức nhận chức vụ mới, và sẽ có vị thế mới. Vị thế mới này sẽ quyết định việc Tô Lâm có đủ sức, đủ khả năng, để tiếp tục những trận chiến sinh tử tiếp theo hay không.
Mặc dù, Tổng Trọng đang ra sức bảo vệ chiếc ghế ông đang ngồi, trước sự tấn công của thế lực khác. Tuy nhiên, với tình hình sức khỏe như hiện nay, khó có khả năng ông sẽ tiếp tục được nhiệm kỳ thứ 4.
Với 16 người trong Bộ Chính trị hiện nay, trừ ông Nguyễn Phú Trọng, thì chỉ còn 2 người đạt tiêu chuẩn “hơn 1 nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị”. Như vậy, cuộc tranh đấu để giành ghế Tổng Bí thư mà ông Trọng đang ngồi, sắp diễn ra trận “chung kết”, hoặc Tô Lâm, hoặc Phạm Minh Chính sẽ là người kế nhiệm Tổng Bí thư.
Khi ông Tô Lâm đánh Vương Đình Huệ, có thông tin cho biết, Phạm Minh Chính đã bắt tay với Tô Lâm, để hạ ông Huệ. Tuy nhiên, cái bắt tay này chỉ là giai đoạn, là nhất thời, và chỉ trên danh nghĩa. Người có công hạ bệ ông Huệ là Tô Lâm, chứ không phải ông Phạm Minh Chính.
Có thể, ông Chính bắt tay với Tô Lâm chỉ để tránh gây thù chuốc oán với vị Bộ trưởng nhỏ nhen. Mục đích của ông Chính là tránh đối đầu với đối thủ mạnh.
Khi ông Vương Đình Huệ còn đương chức, có đến 3 ứng viên cho ghế Tổng Bí thư. Giờ đây, chỉ còn 2 ứng viên, dù Phạm Minh Chính có né tránh, thì đến lúc cũng phải đối đầu với Tô Lâm để phân cao thấp, bởi ghế Tổng Bí thư chỉ có một, và cũng không thể trao cho 2 người đồng sở hữu.
Trước Hội nghị Trung ương 9, Tô Lâm cho đánh mạnh vào Ban Bí thư, và đã thành công hạ gục Thường trực Ban Bí thư. Mục đích của Tô Lâm là tạo ra sự hỗn loạn, cũng như tạo ra khoảng trống, để có thể nhét đàn em vào.
Tuy nhiên, ngay lập tức, ông Tổng đã ra tay bịt lỗ hổng. Thậm chí, ông còn gia cố cho Ban Bí thư vững chãi hơn, so với khi mà Trương Thị Mai còn đương chức.
Nhưng Tổng Trọng chỉ mới gia cố Ban Bí thư, chứ chưa tung đòn phản công. Còn sự thành bại khi phản công, lại là chuyện khác. Nếu ông Tổng thành công, tức là loại được Tô Lâm ra khỏi vũ đài chính trị, thì kẻ hưởng lợi là Phạm Minh Chính. Trớ trêu thay, Phạm Minh Chính lại không phải là đệ tử của ông Tổng, mà là đệ của Nguyễn Tấn Dũng – đối thủ lớn nhất đời ông.
Vậy nên, khả năng ông Trọng gia cố Ban Bí thư, là để bảo vệ ông không bị tấn công, hơn là trù tính việc phản công. Bởi nếu phản công, dù thắng hay bại, thì kết quả cũng là để kẻ khác hưởng. Hiện nay, đệ ruột của Tổng Trọng đã không còn ai đủ tiêu chuẩn, để kế nhiệm ông sau khi ông rời chính trường.
Còn 20 tháng nữa là đến Đại hội 14, Đảng vẫn đang rối như nồi canh hẹ. Không một ai đủ uy tín và quyền lực vượt trội, để ổn định tình hình. Ngay cả Tổng Trọng cũng đang phải “đấu tranh sinh tồn”, thì làm sao có đủ khả năng thiết lập sự ổn định cho Đảng?
Phạm Minh Chính và Tô Lâm từng cạnh tranh khốc liệt trong Bộ Công an. Cả 2 cùng được phong hàm cấp tướng cùng lúc, cùng được phân công làm Thứ trưởng Bộ Công an cùng lúc. Sự cạnh tranh đó đã kết thúc vào năm 2011, khi Phạm Minh Chính rời Bộ Công an, về làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, cả 2 lại cùng lúc vào Bộ Chính trị. Chỉ đến năm 2021, Phạm Minh Chính mới vượt lên nắm chức Thủ tướng. Với thứ bậc trong Chính phủ, ông Chính là cấp trên của Bộ trưởng Bộ Công an.
Giờ đây, Đại hội 14 đang đến gần, và ứng viên cho ghế Tổng Bí thư chỉ còn 2 người – Phạm Minh Chính và Tô Lâm. Thời gian tới, trận kịch chiến giữa 2 đối thủ đầy duyên nợ này, là điều khó tránh khỏi.
Nếu ông Trọng chết trước Đại hội 14, trận kịch chiến sẽ diễn ra sớm hơn, gay cấn hơn, khốc liệt hơn. Hứa hẹn cung đình sẽ có phim hay để xem.
Hoàng Phúc – Thoibao.de