Ngày 17/6, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận “Tại sao có nạn chùa giả?” của học giả Vương Trí Nhàn.
Tác giả đề cập đến nạn làm bừa, làm ẩu các “công trình di tích” giả, như một số “chùa giả”, “động giả” ở khu vực chùa Hương, là ví dụ.
Tác giả cho hay, ngay khi nghe nói đến nạn “di tích giả”, nhiều người đã lập tức lên án kẻ bất lương, lợi dụng lòng hướng thiện chính đáng của mọi người để kiếm lời. Sự phản ứng đó là cần thiết và tự nhiên.
Ở đây, tác giả muốn đặt thêm ra vài câu hỏi. Bên cạnh cái lỗi của những người làm chùa giả, động giả đó, đâu là cái lỗi của mỗi chúng ta? Đâu là cái quan niệm chung mà nhiều người chúng ta đã ngấm ngầm tán đồng, và khuyến khích nó phát triển? Và tại sao, việc đấu tranh để xóa bỏ các loại di tích rởm đó sẽ còn là vất vả trầy trật?
Theo tác giả, gần như mọi người đều biết rằng, hiện đang có phong trào dân các địa phương thi nhau xin công nhận di tích, đưa chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ… nơi mình ở, vào danh sách được Nhà nước xếp hạng.
Tác giả nhận xét, ngoài miệng, hoặc trên giấy tờ, ai cũng lưu ý tới ý nghĩa văn hóa: Khi các di tích mang lại cho địa phương một vầng hào quang vinh dự, nó chứng tỏ, đây là đất địa linh nhân kiệt, và người dân biết giữ gìn nếp cũ.
Nhưng trong bụng thì, từ các cấp có thẩm quyền đến người dân thường, đều ngầm hiểu với nhau rằng, khi một khu di tích đi vào hoạt động, tức là một địa điểm du lịch được khai trương, khách thập phương sẽ đổ về thăm thú, và một cơ may làm ăn sẽ đến với nhiều người.
Tác giả đánh giá, ở đây, ngay từ đầu, trong việc đưa di tích đến với xã hội, yếu tố lập lờ nước đôi, nói một đằng hiểu ngầm với nhau một nẻo, đã xuất hiện. Và cái sự đi đêm ấy mở đường cho nhiều hoạt động giả dối tiếp tục nảy nở. Một quy luật của thị trường là dễ nảy sinh hàng giả. Giả từ quà lưu niệm, đến nước giải khát giả, kẹo bánh giả, rồi lá số giả, tờ sớ giả, vẫn bán với giá cắt cổ.
Tác giả nhận định, cho qua mọi thứ của giả “lặt vặt” như thế, người ta có biết đâu, mình đã góp phần nuôi dưỡng ý đồ làm chùa giả, động giả, chín dần trong đầu óc những kẻ muốn “làm ăn lớn”.
Tác giả bình luận, sự thiêng liêng bị pha tạp – có thể không sợ hàm hồ mà nói về phong trào đi hội hiện đang rầm rộ như vậy. Bên cạnh những người đến với lễ hội, với tình cảm tôn nghiêm và có suy nghĩ, thì còn không ít người đi theo kiểu đua đả, hoặc ngấm ngầm tính chuyện cầu lợi, đặt việc cúng bái cao hơn mục đích tham quan và hiểu biết. Những người này gặp nhau ở sự dễ dãi, vô nguyên tắc. Bằng cách đó, họ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ kinh doanh đồ giả. Với tính nhạy cảm của kẻ sống bám vào di tích, đám người chuyên đứng ra làm công việc gọi là phục vụ người đi hội này, hiểu rằng, đối tác của mình chẳng có gì đáng trọng, đứng trước di tích, họ chỉ thuộc loại gà mờ, dễ bị bịp. Suy cho cùng, phải thấy sự dễ dãi và kém hiểu biết của dân đi hội, đã là một sự mở đường, sự tiếp tay, để một số người ở địa phương đi xa mãi trong hành động giả dối trục lợi.
Tác giả cho rằng, thái độ hờ hững, vô trách nhiệm, coi mọi chuyện là “bình thường”, xem cho vui, của một số người, trước việc một niềm tin thiêng liêng bị xúc phạm, đã khiến việc lập lại trật tự khốn khó bội phần.
Điều đáng nói là, vẫn theo tác giả, cái cách phản ứng nhẹ nhàng như trên chẳng qua chỉ là dấu hiệu của một căn bệnh nặng nề hơn: tình yêu của chúng ta với di tích chùa chiền hang động… chưa phải là thứ tình yêu bền chặt, dựa trên một sự hiểu biết sâu sắc. Sự thờ ơ với cái giả chỉ là một biến tướng của sự thờ ơ với cái thực, mà hàng ngày chúng ta giấu kín, và che phủ bên ngoài bằng những lời lẽ hoa mỹ.
Hoàng Anh – thoibao.de